Đội tuyển Anh vừa làm nên lịch sử. Lần đầu tiên sau 92 năm, họ ghi được 5 bàn vào lưới các đối thủ hai lần trong vòng một tuần (5-0 trước Czech và 5-1 trước Montenegro). Đã có những thay đổi rất lớn trong cách HLV Gareth Southgate tiếp cận trận đấu.
Trước loạt trận vừa rồi, đội tuyển Anh của ông là một trong những đội tuyển ghi bàn ít nhất trong thời gian gần đây. Chính xác thì trong năm HLV trưởng đội tuyển Anh được bổ nhiệm trong thế kỷ này (không tính Sam Allardyce, người chỉ dẫn dắt đúng một trận), Southgate là kém nhất nếu xét trên tiêu chí số bàn thắng trung bình mỗi trận.
Câu hỏi là, Southgate đã thay đổi những gì? Ông tung ra sân một đội hình có nhiều cầu thủ tấn công hơn. Trước Montenegro chẳng hạn, đội tuyển Anh xuất phát với năm cầu thủ có khuynh hướng tấn công. Ngoài ba tiền đạo, hai trong số ba tiền vệ trong sơ đồ 4-3-3 của Anh là những cầu thủ tấn công (Ross Barkley và Dele Alli).
Người chơi thấp nhất trong hàng tiền vệ cũng không phải là một cầu thủ phòng ngự đơn thuần. Declan Rice nổi lên trong màu áo West Ham nhờ khả năng đọc trận đấu, chọn vị trí và điều phối. Một kiểu Sergio Busquets.
Nhắc tới Busquets, ta nhớ tới Pep Guardiola. Phải, Southgate, dù có chịu thừa nhận hay không, đang cho đội tuyển Anh chơi theo kiểu Man City. Ở Etihad, HLV Guardiola cũng thường xuyên cho Man City chơi với sơ đồ 4-3-3, cũng với một tiền vệ đánh chặn kiêm tổ chức phía dưới năm cầu thủ tấn công.
Điểm giao cắt giữa Southgate và Pep chính là Raheem Sterling. Không có gì lạ khi Sterling chính là người tỏa sáng rực rỡ nhất trong hai trận đấu vừa qua. Anh quá hiểu cách một đội bóng chơi với năm cầu thủ tấn công vận hành. Và anh thích điều đó.
Cũng như Man City, đội tuyển Anh đang có xu hướng tấn công ở biên nhiều hơn. Ở World Cup 2018, 22,2% số pha tấn công của Tam sư đi qua trung lộ. Nhưng trước Czech và Montenegro, chỉ số này giảm xuống còn lần lượt là 17,6% và 18,3%. Ở World Cup 2018, những cầu thủ thường xuyên có mặt ở biên là các wing-back (chạy cánh).
Trước Czech và Montenegro, họ có hai hậu vệ biên và hai tiền đạo biên. Gần một nửa số pha tấn công của Anh trong trận đấu với Montenegro diễn ra ở bên cánh trái, cánh của Sterling.
HLV Southgate hưởng lợi khi học cách sử dụng Sterling từ chính Guardiola
Và cuối cùng, không thể không nhắc tới một đặc điểm nhận dạng các đội bóng của Guardiola, đấy là khả năng giữ bóng. Trước Montenegro, Anh cầm bóng tới 73,2%. Đấy là lần đầu tiên kể từ khi hãng Opta bắt đầu thống kê (2004), Anh kiểm soát nhiều bóng tới vậy trong một trận đấu với một đối thủ thuộc Top 80 trên BXH FIFA (Montenegro đứng thứ 46).
ĐT Anh, rõ ràng, đang muốn kiểm soát thế trận bằng cách kiểm soát bóng. Đấy không phải cách tiếp cận thường thấy của họ trong các trận đấu trước đây dưới thời Southgate.
Có thể Southgate đang học theo Guardiola và muốn biến Anh thành một Tây Ban Nha mới. Cũng có thể ông chỉ điều chỉnh cho phù hợp với những con người hiện có. Cái này chỉ có Southgate biết. Nhưng có cái này thì ai cũng biết: Tây Ban Nha vô địch World Cup 2010, EURO 2012 khi Guardiola dẫn dắt Barca; Đức vô địch World Cup 2014 khi Guardiola dẫn dắt Bayern Munich…
Mạnh dạn hơn hẳn Trước đây, Southgate ít nhiều là một HLV đề cao sự chắc chắn. Hai lần hiếm hoi ông cho đội tuyển Anh xuất phát với năm cầu thủ tấn công là trong các trận gặp Lithuania (thứ 107 trên BXH FIFA) và Malta (176) trên sân nhà. Trong khi đó, Montenegro hiện đứng thứ 46. |