Vui đùa một tí: có một triết lý vĩ đại, liên quan đến con gà, đang đối diện nguy cơ sụp đổ vì một nghiên cứu tưởng như “vô thưởng vô phạt” của giới khoa học. Đó là triết lý “con gà và quả trứng”. Các nhà khoa học vừa phán cách đây không lâu: con gà có trước quả trứng!
Phải mượn triết lý “con gà và quả trứng” bởi trong bóng đá đỉnh cao, luôn tồn tại một vấn đề tương tự. Suốt nhiều thập niên trước đây, bóng đá Anh gần như bất động về mặt sơ đồ chiến thuật. Họ luôn chơi 4-4-2, kể từ sau khi Tam sư vô địch World Cup 1966 bằng sơ đồ ấy. Vì tất cả đều luôn chơi 4-4-2, nên suốt hàng chục năm nước Anh không thể sản sinh một tiền đạo cánh xem được? Hay vì bóng đá Anh không có tiền đạo cánh nên họ cứ phải chơi 4-4-2?
VIDEO: Thầy trò Conte chúc mừng Giáng sinh ấm áp |
---|
ĐANG TẢI VIDEO... Vui lòng chờ trong giây lát. |
Khi bàn về cách chơi theo sơ đồ 3-4-3 của Chelsea hiện nay, chuyên gia David Pleat khẳng định: “Bạn chỉ có thể chơi như vậy nếu có đủ cầu thủ thích hợp”. Coi như chuyên gia Pleat rút cuộc chẳng nói được gì, bởi điều ông nói ra cũng có thể ứng vào bất cứ sơ đồ nào, chứ chẳng riêng gì 3-4-3. “Cầu thủ thích hợp”, suy cho cùng, cũng chỉ là một khái niệm khá mơ hồ.
Đi vào chi tiết thì điểm cốt lõi trong sơ đồ 3-4-3 là vị trí của 2 tiền vệ biên. Mỗi biên chỉ có một cầu thủ đảm trách, cả công lẫn thủ, nghĩa là “mỏng” hơn rất nhiều so với các đội dùng sơ đồ có 4 hậu vệ. Nhìn vào con số là đủ hình dung: sức tấn công của sơ đồ 3-4-3 rất cao. Hệ quả tất yếu là hàng thủ dễ “lãnh đòn”, bởi đấy là nguyên tắc chung của chiến thuật bóng đá. Sơ đồ trong môn bóng đá giống như một chiếc chăn nhỏ, đắp thế nào cũng... có chỗ hở.
Cụ thể: sơ đồ 3-4-3 không “đắp” được khoảng trống sau lưng hai tiền vệ biên. Trên lý thuyết, đối thủ cứ tấn công vào đấy. Còn nói như David Pleat, người nghe hẳn phải hoang mang: Victor Moses và Marcos Alonso trong đội hình 3-4-3 của Chelsea đều chẳng phải là những ngôi sao sáng. Bất quá, họ đang thành công rực rỡ. Nhưng chẳng lẽ cứ phải có tiền vệ cánh đạt đến đẳng cấp của Moses hoặc Alonso thì mới có thể đá 3-4-3?
Cách chơi, sơ đồ, hay chiến thuật nào, cũng có nhược điểm. Đấy là điều chắc chắn. Làm sao để khai thác nhược điểm về phòng ngự, ở khu vực sau lưng tiền vệ cánh trong đội hình Chelsea, thì đấy lại là chuyện khác. Thầy trò Conte thành công ở chỗ họ thường xuyên ngăn cản được điều này. Và khi đối phương không thể ghi bàn thì Chelsea tất thắng, bởi ưu điểm về tấn công trong cách chơi của Chelsea cũng rõ ràng như nhược điểm về phòng thủ của họ. Giả sử Conte muốn gia cố hàng thủ, dĩ nhiên ông sẽ có cách, nhưng hệ quả là sức tấn công cũng phải giảm đi.
Man City đã khai thác được điểm yếu trong cách phòng ngự của Chelsea, và ghi bàn (theo con đường đã nói). Nhưng họ bỏ lỡ cơ hội khá nhiều. Chỉ ghi 1 bàn, Man City đành ôm hận vì họ thủng lưới nhiều hơn. West Brom, Sunderland hoặc Crystal Palace thì không làm được như Man City, vì họ thua hẳn về đẳng cấp. Họ đều thấy rõ sơ hở trong cách chơi của Chelsea, nhưng không thể tung đòn. Và họ cũng không thể chống đỡ khi “đến lượt” Chelsea tấn công.
Conte không tìm cách che giấu nhược điểm trong cách chơi của mình, mà ông tìm cách bảo vệ nhược điểm ấy. Đây có lẽ là chỗ thành công đáng chú ý nhất của Chelsea. Đâu có nhất thiết là chiến thuật cứ phải đi kèm với con người thích hợp! Một triết lý lớn trong bóng đá đang có nguy cơ sụp đổ, nếu cách chơi 3-4-3 của Chelsea cứ thắng mãi.