Có lẽ không nhiều CĐV Arsenal bây giờ còn nhớ được rằng, 19 năm về trước, từng có một Giáo sư đứng trước truyền thông mà vỗ ngực tự tin rằng cả 8 tân binh ông đem về đều đủ sức đá chính. Và ông không hề ngoa với những Marc Overmars hay ngôi sao tiềm năng World Cup Emmanuel Petit.
Cái buổi trăng mật ban đầu ấy giờ đã quá xa, 19 năm, và với CĐV Pháo thủ thì cảm tưởng như còn xa hơn nữa. Wenger giờ chỉ là một ông cụ bất lực trước vòng xoáy của TTCN hiện đại, tự lừa dối bản thân và chính CĐV nhà rằng những con người ông nắm trong tay có thể xoay chuyển càn khôn, trong một mùa bóng lý tưởng ông vẽ nên.
THỜI KỲ TRĂNG MẬT (1996-2006)
Wenger từng có những kỳ chuyển nhượng vô cùng bận bịu. Sau 8 gương mặt giúp ông giành cú đúp danh hiệu quốc nội ngay trong mùa giải trọn vẹn đầu tiên cùng CLB Bắc London, Giáo sư tiếp tục đem về hai ngôi sao chất lượng Freddie Ljungberg và Nwankwo Kanu, cũng như theo đuổi một trong những tiền đạo tài năng nhất châu Âu thời bấy giờ, Patrick Kluivert.
Những mùa hè tiếp theo, dòng tiền vẫn chảy đều đặn khỏi ngân khố Arsenal để đổi lấy sự phục vụ của nhiều ngôi sao sau này đã thành huyền thoại. Từ Thierry Henry, Davor Suker, Silvinho năm 1999 cho tới Edu, Robert Pires và Sylvain Wiltord 12 tháng sau đó.
7/8 tân binh từng khiến Wenger tự hào Hè 1997
Sol Campbell, Giovanni van Bronckhorst và Richard Wright cập bến Highbury năm 2001, theo chân họ là Gilberto Silva, Jens Lehmann, Jose Antonio Reyes và Robin van Persie trong những năm tiếp theo.
Giai đoạn đáng nhớ này kết thúc ở cuối mùa 2005/06, thời điểm Arsenal cần tiết kiệm để xây SVĐ mới Emirates. Wenger vẫn kịp đem về Alex Hleb, Theo Walcott và Emmanuel Adebayor trong năm đó, nhưng những năm tháng ông thoải mái mua sắm hoang đàng như một “đại gia” đích thực đã chấm dứt.
THỜI KỲ THẮT LƯNG BUỘC BỤNG (2006-2013)
Wenger bắt đầu phải học cách thắt lưng buộc bụng theo yêu cầu của BLĐ để trông đợi vào một tương lai huy hoàng hơn với SVĐ mới Emirates. Các fan Arsenal từ chỗ hạnh phúc chứng kiến hàng loạt ngôi sao lũ lượt đổ về Bắc London mỗi mùa hè, dần phải làm quen với việc thấp thỏm ngồi kỳ cạch gõ Google để tìm hiểu xem những Denilson, Nicklas Bendtner, Marouane Chamakh là ai.
Không phủ nhận, vẫn có lác đác những tân binh đắt giá được Wenger đem về trong giai đoạn này như Samir Nasri và Andrei Arshavin, hai cầu thủ có tổng giá chuyển nhượng là 40 triệu bảng. Chưa hết, Thomas Vermaelen cũng không hề rẻ. Nhưng còn Sebastien Squillaci là ai? Và anh được đem về để làm gì? Có lẽ chính Wenger cũng không trả lời nổi khi chỉ cho anh ra sân 23 lần suốt 3 mùa bóng.
Nguyên nhân chính cho sự thay đổi chiến lược chuyển nhượng 180 độ này của Wenger, như đã trình bày, là để phục vụ kế hoạch xây sân Emirates. Nhưng còn một lý do rất quan trọng ít được đề cập đến, đó là sự chia tay của phó chủ tịch David Dein, người có mạng lưới quan hệ vô cùng sâu rộng với giới đại diện cầu thủ, đủ khả năng giúp Pháo thủ làm mưa làm gió trên TTCN.
Chính Wenger từng thừa nhận: “Dein làm những công việc xấu xa ở hậu trường thay tôi”. Quý ông nước Pháp không phải và không bao giờ là người có thể đóng vai xấu, điều đó làm ông trở nên ngày càng lỗi thời trong bóng đá hiện đại đầy mưu ma chước quỷ. Có lẽ bây giờ, giữa muôn trùng tiếng la ó và phản đối, Giáo sư lại càng thêm nhớ người cộng sự ăn ý ngày nào.
Ngày Dein ra đi, Arsenal đã mất nhiều hơn họ tưởng
VÀ ARSENAL CỦA HIỆN TẠI (2013-?)
Dấu hiệu đầu tiên của chiến lược chuyển nhượng mới đến từ Hè 2012, khi Wenger đem về Lukas Podolski, Olivier Giroud và Santi Cazorla – bộ ba ở đẳng cấp hoàn toàn khác so với những tân binh ông chiêu mộ trước đó.
Wenger đã chứng tỏ đó chỉ là điểm khởi đầu. Ba mùa tiếp theo, ông lần lượt bổ sung 3 ngôi sao hạng A gồm Mesut Oezil, Alexis Sanchez và Petr Cech. Có điều, những thương vụ ấy đến không đủ dồn dập, không đủ kịp thời để Arsenal hoàn thiện đội hình. Ông mua quá ít để vá víu những chỗ rách đội hình suốt thời kỳ dài chắt chiu. Đến giờ, Pháo thủ vẫn thiếu một tiền đạo và một trung vệ đẳng cấp.
Trước mùa 2016/17, Granit Xhaka được đưa về từ rất sớm, mở ra một mùa hè đầy triển vọng. Nhưng có vẻ như thay vì là một sự khởi đầu hứa hẹn, Xhaka lại đóng dấu chấm hết cho kỳ chuyển nhượng hè 2016 của Arsenal. Và thất bại trước Liverpool ở vòng 1 có vẻ như sẽ khiến Wenger phải lặp lại kịch bản của hè năm 2011. Năm đó, sau thất bại 2-8 trước M.U, Giáo sư cuống cuồng đem về Per Mertesacker, Mikel Arteta và Andre Santos. Cuối mùa 2011/12, Arsenal tay trắng.
Chính trận thua 2-8 trước M.U đã đưa Mertesacker và Arteta đến Emirates
Tất nhiên, với 100 triệu bảng ngân sách chuyển nhượng như lời khoe mẽ của ban lãnh đạo, Arsenal lúc này có lợi thế hơn nhiều so với 5 năm trước. Nhưng ở thời điểm mà hầu hết CLB đã ổn định đội hình, sẽ không dễ để Wenger tìm ra những mục tiêu phù hợp và thực sự chất lượng. Chính ông đã tự đặt mình vào thế bị động như bây giờ, dù đã "đề-pa" rất sớm so với các đối thủ trực tiếp.
ĐẾN LÚC THAY ĐỔI?
Trong một giải đấu quy tụ toàn những siêu cường trên băng ghế huấn luyện như Pep Guardiola, Jose Mourinho, Juergen Klopp, Antonio Conte và Mauricio Pochettino, sẽ không phải là một thảm họa nếu Arsenal không thể giành chức vô địch. Họ có thể thất bại, nhưng không được phép thất bại từ trước khi bắt đầu, một cách bất lực như trong trận gặp Liverpool.
Đồng hồ đã đếm ngược với Wenger, nhất là trong bối cảnh hàng loạt ca chấn thương đang dày vò lực lượng mỏng manh đến tội nghiệp của Arsenal. Những cầu thủ chất lượng trên thị trường chẳng bao giờ thiếu mặc cho Giáo sư ca thán, cái thiếu là sự quyết tâm và bạo dạn của chính ông. Hoặc là tìm lại hình ảnh một nhà cầm quân trẻ giàu hoài bão của mùa Hè 1997, hoặc là Wenger sẽ phải theo bước đồng sự cũ David Dein rời mái nhà Emirates trên tư cách kẻ thất bại. Có điều, vế đầu tiên xem ra rất khó xảy ra với một ông lão đã cận kề ngưỡng thất thập...