Điều này nhằm đáp ứng mong mỏi của đông đảo khán giả được tận mắt chứng kiến các ĐTQG thi đấu. Và đó cũng là cách tốt nhất để đội tuyển về với nhân dân, hiểu được mong muốn của quảng đại quần chúng để phấn đấu.
“Tôi từng đến nhiều CLB và trao đổi với lãnh đạo rằng VFF rất muốn đưa ĐTQG về địa phương thi đấu một cách thường xuyên, đặc biệt là với những địa phương có nhiều đóng góp về nhân sự cho ĐTQG từ trước đến nay như SLNA, HAGL, Quảng Ninh... Chúng tôi muốn bà con ở đây được nhìn thấy con em mình thi đấu và bản thân những người làm bóng đá được tận mắt chứng kiến thành quả đào tạo của mình.
Tri ân các địa phương là việc phải làm nhưng để tổ chức được các trận đấu quốc tế phải đáp ứng được những tiêu chuẩn về cơ sở vật chất kỹ thuật. Tôi cũng đã nói điều này với lãnh đạo nhiều đội bóng và đáng mừng là nhiều sân vận động đã có những thay đổi lớn. Từ sân Vinh đến sân Hòa Xuân, Cần Thơ, Cẩm Phả, Thống Nhất... đã được lãnh đạo địa phương đầu tư nâng cấp sân bãi, phòng chức năng.
Nhìn rộng ra, những thay đổi này không chỉ giúp đáp ứng điều kiện tổ chức trận đấu của ĐTQG mà còn mang đến động lực cho bóng đá địa phương phát triển”, Phó chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn cho biết.
Miền Tây Nam Bộ mong lại được đón ĐT Việt Nam Trong đợt tập trung chuẩn bị AFF Suzuki Cup 2016, đội tuyển Việt Nam đã từng di chuyển về Cần Thơ thi đấu giao hữu cùng CLB Avispa Fukuoka (Nhật Bản) hồi tháng 11 năm ngoái. Đây là trận đấu nhằm phục vụ khán giả hâm mộ khu vực miền Tây Nam Bộ và cũng là lần duy nhất khán giả ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long được đón tiếp ĐTQG, vì thế sự kiện này đã tạo nên một cơn sốt và sân vận động Cần Thơ với sức chứa khoảng 40 ngàn người gần kín chỗ. Sau lần ấy, khán giả hâm mộ miền Tây vẫn luôn mong sẽ lại có dịp đón tiếp đội tuyển quay lại thi đấu, bởi điều kiện sân bãi, cũng như cơ sở vật chất của thành phố Cần Thơ rất tốt và thích hợp cho các trận giao hữu của các đội tuyển Việt Nam. |