NGÔI SAO KHÔNG MỘT LẦN VÔ ĐỊCH…
Nguyễn Văn Sỹ sinh năm 1971, hơn Nguyễn Hồng Sơn, Lê Huỳnh Đức 1 tuổi nên nổi tiếng sớm hơn. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình yêu bóng đá mà 2 ông anh Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Dũng đều là những cầu thủ có tiếng đất thành Nam. Đặc biệt, Nguyễn Văn Dũng được cố HLV Ninh Văn Bảo đánh giá là 1 trong 2 tiền đạo xuất sắc nhất Việt Nam mà ông biết, bên cạnh tượng đài Nguyễn Cao Cường của Thể Công. Ngay từ nhỏ, Nguyễn Văn Sỹ đã mê bóng đá, đá bóng giỏi và được tạo cảm hứng từ thành công của người anh Nguyễn Văn Dũng với 4 lần giành danh hiệu Vua phá lưới ở giải VĐQG. Trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, toả sáng trong màu áo Nam Định và trở thành trụ cột của đội bóng thành Nam là điều phải xảy ra như thiên định.
VIDEO: Nguyễn Văn Sỹ - Chuyên gia của những cú đá phạt khó lường
Độ cao sẽ thay đổi tùy theo nội dung đã xuất bản
Thời đó, bóng đá Việt Nam được mùa tiền vệ, nhất là tiền vệ trung tâm, với những tên tuổi lớn như Hồng Sơn, Việt Hoàng, Minh Hiếu, Hoàng Bửu… Nhưng Nguyễn Văn Sỹ vẫn được nhắc đến và được mô tả như một tiền vệ đa năng, với lối chơi mạnh mẽ, tranh cướp bóng quyết liệt, kiến tạo, dứt điểm, sút xa đều tốt. Điểm mạnh nhất của tiền vệ Văn Sỹ là sự bền bỉ, ổn định và rất… quái. Là một người hiền lành, tốt bụng, vui tính nhưng khi vào sân, tiền vệ Văn Sỹ trở thành một con người khác, với ánh mắt sắc lẹm, những cái nhìn không chớp mắt đầy uy lực và lối chơi dị, không khoan nhượng. Chính tố chất đó đã giúp Văn Sỹ trở thành ông Vua khu trung tuyến và làm được những điều tưởng như bất khả thi, đặc biệt, tới nay, anh được ghi nhận là cầu thủ Việt Nam đầu tiên ghi bàn từ chấm phạt… góc, không chỉ một lần mà là 2 lần.
Được đánh giá là một trong những tiền vệ hay nhất giải đoạn 1995 – 2004 của bóng đá Việt Nam nhưng những thành công đỉnh cao không một lần đến với Văn Sỹ. Ở cấp độ đội tuyển là những tấm HCB, cả ở SEA Games lẫn Tiger Cup. Ở cấp CLB là vị trí á quân V.League 2001. Các danh hiệu Quả bóng vàng, Quả bóng bạc, Quả bóng đồng cũng chưa bao giờ đến tay của Nguyễn Văn Sỹ dù luôn nằm trong danh sách đề cử. Tiền vệ Võ Hoàng Bửu từng nhận xét: “Văn Sỹ nằm trong số những tiền vệ Việt Nam hay nhất mà tôi biết. Không có được những danh hiệu đỉnh cao chỉ càng làm cho NHM yêu quý cậu ấy nhiều hơn. Trong bóng đá, nhiều ngôi sao đói danh hiệu nhưng danh hiệu cao quý nhất là tình cảm của NHM”.
HAI NỖI ĐAU CỦA CUỘC ĐỜI
Có 2 nỗi đau của Nguyễn Văn Sỹ trong cuộc đời cầu thủ, bên cạnh cơn khát một danh hiệu vô địch. Đầu tiên là chấn thương đứt gân Achilles tại Tiger Cup 2002 trong một buổi tập. Thầy Calisto đã không cho Văn Sỹ về Việt Nam mà ở lại Indonesia điều trị. Mỗi buổi tập hay trước mỗi trận đấu, ông thầy người Bồ lại chỉ vào Văn Sỹ và nói với mọi người: “Chiến binh tài năng này không may bị chấn thương. Các anh có hiểu không? Hãy chiến đấu cho cả phần của cậu ấy nữa”.
Tiger Cup đó đánh dấu sự hồi sinh của bóng đá Việt Nam thời chuyển giao thế hệ nhưng Văn Sỹ đã khóc khi nghĩ rằng mình sẽ phải giải nghệ trên đôi nạng gỗ. Trước đó, chưa có cầu thủ Việt đứt gân Achilles nào mà thi đấu đỉnh cao được. Dồn toàn bộ vốn liếng, Văn Sỹ đổi nhà ra mặt đường, mở quán café, mua xe ôtô để sẵn sàng chở khách. Điều kỳ diệu đã đến, chấn thương bình phục thần tốc mà chính bác sĩ cũng giật mình và anh trở lại gồng gánh thêm được 2 mùa nữa trước khi giải nghệ năm 2004, ở tuổi 33.
Nguyễn Văn Sỹ là cột trụ của bóng đá Nam Định và khi anh giải nghệ, bóng đá thành Nam cũng đi xuống không phanh. Vắng Văn Sỹ, các cầu thủ giỏi của Nam Định lần lượt ra đi, đầu quân cho những đội bóng lớn, kiếm rất nhiều tiền và chinh phục nhiều danh hiệu. Nhưng bóng đá thành Nam đi xuống theo cái cách không thể nào phanh lại được.
Không còn những ngôi sao trong đội hình, cơ chế quản lý không theo kịp yêu cầu của bóng đá chuyên nghiệp, quyền lợi nhóm ngự trị khiến cho thành tích của bóng đá Nam Định đi xuống, 2 năm, xuống 2 hạng và biến mất khỏi các giải chuyên nghiệp. Các nhà tài trợ không mặn mà và đó là cái vòng tròn luẩn quẩn của sự trì trệ. Ngay sau khi chia tay XSKT.CT, Nguyễn Văn Sỹ bỏ ngoài tai nhiều lời mời béo bở để về với Nam Định, chỉ vì cái tình, cái nghĩa với bóng đá quê hương.
BIỂU TƯỢNG CỦA TÌNH THƯƠNG VÀ TRÁCH NHIỆM
Anh em bạn bè giờ vẫn gọi Nguyễn Văn Sỹ với cái tên trìu mến – Hảo hán thành Nam. Với Văn Sỹ, anh lớn hay em bé, tất cả đều được đối đãi một cách đầy thân tình. Đặc biệt, Văn Sỹ luôn đứng bên cạnh, động viên, ủng hộ cho những người gặp khó khăn. Thi thoảng, anh vẫn dúi ít tiền cho những người bạn giải quyết nhu cầu tài chính trước mắt. Lúc anh động viên đồng nghiệp đang gặp áp lực về nghề nghiệp… HLV Phan Thanh Hùng, một người anh em thân thiết, nói: “Văn Sỹ giỏi chuyên môn, tính tình hiền hậu, tốt bụng và là cộng sự, là người anh em đầy tin cậy”.
Có giai thoại kể rằng, trong một buổi tập ở Nhổn, Văn Quyến sơ ý khạc nhổ vào đôi giày của Văn Sỹ. Ngay lập tức, Cậu bé vàng rất nổi lúc bấy giờ phải quay lại lau sạch đôi giày và bị ông anh dạy cho một bài học. Mọi người nghĩ rằng, mối quan hệ căng thẳng của họ sẽ chia cắt hai người nhưng chính HLV Nguyễn Văn Sỹ đã mời Văn Quyến ra V.NB thi đấu khi thằng Béo không còn chỗ đứng ở SLNA. Cuộc hồi sinh của Văn Quyến thực sự bắt đầu, với những bàn thắng đẹp như mơ và góp phần giúp V.NB đoạt Cúp QG và Siêu Cúp QG 2013.
Rất nhiều cầu thủ V.NB bị treo giò vĩnh viễn sau vụ bán độ năm 2014, trong đó, không ít người Nam Định. Lúc đó, HLV Văn Sỹ đang dẫn dắt XSKT.CT nhưng cũng cố gắng để hoàn thành trung tâm bóng đá Dũng Sỹ và đưa những cựu cầu thủ Nam Định về làm việc. Trong đó có Văn Duyệt và Quang Hùng… Quang Hùng tâm sự trong nước mắt: “Ngay cả khi bận trăm công, nghìn việc, ngay cả khi công việc của chú đang khó khăn nhưng chú Văn Sỹ luôn nghĩ và lo cho người khác. Cuộc đời tôi biết ơn chú Sỹ rất nhiều…”.
Nhìn xuyên thấu cả sự nghiệp của Nguyễn Văn Sỹ, tất cả đều thấy một tiền vệ tài năng, một biểu tượng của bóng đá Nam Định nhưng chưa một lần lên đỉnh vinh quang. Sự nghiệp HLV cũng diễn ra không mấy suôn sẻ, với chỉ một chức vô địch Cúp QG và Siêu Cúp QG. Tới nay, Văn Sỹ từng có 7 hợp đồng làm HLV và là người ký nhiều hợp đồng huấn luyện nhất trong số những cầu thủ của thế hệ vàng.
Nam Định vô địch quốc gia lần cuối cùng năm 1985 và sau 30 năm, bóng đá thành Nam giờ chỉ còn cái bóng, cái tên, cái hào quang của quá khứ. Nhiều người đã chán nản, buông xuôi và chuyển nghề nhưng Nguyễn Văn Sỹ vẫn đau đáu nhìn về Thiên Trường. Một khi, thời của Nguyễn Văn Sỹ đến, bóng đá Nam Định sẽ lại hồi sinh…
* Theo dõi loạt bài Thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam TẠI ĐÂY