Người Anh hoài cổ luôn tự hào rằng họ là quê hương của bóng đá, luôn nhắc lại chiến tích vô địch World Cup 1966 một cách đầy tự hào, để từ những vinh quang quá khứ đó mà tự phong cho mình cái mác “đội tuyển lớn”. Nhưng sự bảo thủ đặc trưng của người dân Anh cũng là rào cản khiến họ khó chấp nhận thất bại, khiến họ không muốn tiến hành thay đổi, dù cái sai đã rõ mười mươi.
Kể từ sau chức vô địch thế giới của thế hệ Sir Bobby Charlton năm 1966, thành tích tốt nhất của ĐT Anh chỉ là 2 lần lọt vào bán kết các giải đấu lớn (World Cup 1990 và EURO 1996). Một đội tuyển liệu có thể gọi là lớn khi thường xuyên thất bại chỉ sau 1-2 trận ở vòng loại trực tiếp? Ngay cả Premier League – niềm tự hào của người Anh – cũng đang ngày một sa sút. Thử tưởng tượng, nếu không có những sự đầu tư từ các ông chủ Nga hay Trung Đông, giải đấu này sẽ ra sao?
HLV Roy Hodgson cho rằng ông đã sai khi thử nghiệm quá nhiều ở trận đấu với Chile. Nhưng thực ra, với chỉ 3 cầu thủ mới trong đội hình (Fraiser Forster, Adam Lallana và Jay Rodriguez), còn lại đều là những cựu binh dày dạn, liệu đó có đáng được gọi là “thử nghiệm”? Jack Wilshere thậm chí còn tỏ ra choáng váng với lối chơi “như Barca” của các cầu thủ Nam Mỹ. Thực chất, Chile chơi tốt đến vậy phần lớn là nhờ tuyến giữa “Tam sư” đã đá quá dở mà thôi.
Thiết nghĩ, có lẽ bóng đá Anh cần trải qua một thất bại thảm hại và đau đớn tại một đấu trường lớn (có thể là VCK World Cup 2014?), tương tự như Đức tại EURO 2000 và 2004 (không vượt qua vòng bảng), để họ biết cách chấp nhận sự yếu kém của nền bóng đá nước nhà. Từ đó, người Anh họa may mới có động lực để thay đổi.
Bóng đá Đức đã đi trước Anh một (thậm chí là nhiều) bước. Họ chưa đăng quang tại một kỳ EURO hay World Cup nào, kể từ thế hệ “cỗ xe tăng” năm 1996, nhưng cách chơi của “Die Mannschaft” cho người xem cảm hứng, đúng với tinh thần mà Joachim Loew (HLV trưởng ĐT Đức) nói riêng và cả nước Đức nói chung đang theo đuổi: đó là từng bước giành thắng lợi bằng lối chơi hấp dẫn. Họ chấp nhận tiến lên từng bước, một cách vững chãi, hiệu quả nhưng rõ rệt.
Và cuộc cách mạng bóng đá Đức, với Matthias Sammer (cựu GĐKT LĐBĐ Đức) là người góp công lớn nhất, đang cho những trái ngọt đầu tiên. Tiêu biểu nhất, đương nhiên là cuộc nội chiến Bundesliga tại chung kết Champions League năm ngoái, với đại diện ưu tú nhất của nước Đức – Bayern Munich – là đội lên ngôi vương. Đó chỉ mới là điểm khởi đầu của một chu kỳ thành công mới, nhờ những chính sách đầu tư và kế hoạch dài hạn của cả một đất nước (từ chính phủ tới bóng đá phong trào).
Điều người Anh cần làm, đó là nhìn vào tấm gương ấy, để từ đó rút ra bài học cho bản thân họ, thay vì cứ ngồi kêu ca thiếu tài năng, đen đủi hay đổ lỗi cho các yếu tố khách quan… Bóng đá xứ sương mù cần một sự thay đổi toàn diện, không chỉ là những quyết định nhất thời như “trảm” tướng hay thay đổi chiến thuật, lối chơi. Rộng hơn, họ cần cải cách cả đường lối làm bóng đá.