Gần 4 năm sau ngày được bổ nhiệm, Alan Pardew vẫn ở đấy, sừng sững tồn tại và chiến đấu giữa muôn trùng mâu thuẫn từ chính bản thân ông đến cả tập thể Newcastle. Chiến lược gia có biệt danh “Gã đồ tể” có được thành công với đội chủ sân Sport Direct Arena trong 2 năm, khi đưa Chích choè cán đích an toàn ở vị trí thứ 12 ở mùa giải đầu tiên trước khi tạo dấu ấn đậm nét ở mùa giải thứ hai. Năm 2012, Pardew đưa Newcastle về đích thứ 5 chung cuộc, đồng thời ẵm luôn danh hiệu “HLV xuất sắc nhất mùa giải”. Ông chủ Mike Ashley đã tặng cho Pardew một bản hợp đồng kỷ lục với thời hạn… 8 năm, và cũng từ đây, mọi xung đột ở đội bóng sọc trắng-đen bắt đầu bùng phát dữ dội.
Thành tích của Newcastle dưới sự dẫn dắt của Pardew cứ đi xuống từng ngày. Europa League là điều xa vời đã đành, Chích choè còn suýt xuống hạng ở mùa giải đầu trong cái nhiệm kỳ 8 năm lạ lùng nhất trong lịch sử Ngoại hạng Anh. Lối chơi không rõ ràng, những trận thua “vỡ mặt”, vị trí đáng hổ thẹn, CĐV Newcastle la ó Mike Ashley và Alan Pardew như những “kẻ lừa đảo”, góp phần đẩy đội bóng đến bờ vực thẳm. Thua trên sân cỏ đã đành, HLV người Anh tạo ấn tượng rất xấu, đôi khi chẳng giống ai trên băng ghế huấn luyện lẫn ngoài đường pitch.
Đẩy trợ lý trọng tài, húc vào người cầu thủ David Meyler bên phía Hull City, lăng mạ Manuel Pellegrini hay doạ đánh Jose Mourinho, không việc gì mà Pardew không dám làm. Hành động “bất hảo” như vậy lại đến từ một người thầy thì làm sao các cầu thủ có thể thi đấu tốt, đó mới là điều làm cho NHM phải gặm nhấm một món thập cẩm, chứa đựng từ đau xót, tức giận đến xấu hổ mỗi khi vào sân chứng kiến đội bóng con cưng thi đấu. Những biểu ngữ đòi sa thải Pardew dựng lên như nấm mọc sau mưa trên khắp các khác đài Sport Direct Arena, khiến cho ông không có nổi một ngày bình yên giữa cuộc sống bóng đá chật chội mà đầy rẫy chông gai.
Mùa giải này, bầu không khí u ám vẫn không buông tha cho “gã đồ tể” cùng các học trò. Newcastle lại chia 3 xẻ 7, với… 15 người đi và cũng 15 người đến. Debuchy, Cabaye, Remy ra đi để lại đống hoang tàn mà người phải phá đi xây lại không ai khác ngoài Pardew. 7 trận liên tiếp không thắng, cánh cửa địa ngục như đang mở ra trước mắt ông thầy lắm tài nhiều tật này, nhưng đó cũng là lúc người ta hiểu tại sao từ Charlton, Reading, West Ham đến Southampton, Alan Pardew luôn đặt dấu ấn.
Trong khó khăn, mọi ưu điểm của Pardew được bộc lộ kịp thời giúp cho Newcastle hồi sinh với tốc độ kinh hoàng. Ông luôn gây sự và để hết thói xấu ra ngoài, mặc dù vậy, trên tất cả, Pardew là một người có sự kiên trì và bản lĩnh vững vàng. Đứng trước sức ép khủng khiếp của ông chủ lẫn CĐV, “gã tóc bạc” luôn giữ được khuôn mặt lạnh lùng và ánh mắt tự tin, khiến người ta có cảm giác trước sau rồi đội bóng của ông cũng sẽ thắng.
Và quả thật, 5 trận đấu gần đây ở Premier League, chẳng đội bóng nào có thể làm tốt hơn Newcastle nữa, kể cả Chelsea. Họ đánh bại Man City ở Capital One Cup, vượt qua cả Liverpool lẫn Tottenham. Điều đáng ngạc nhiên là trong hành trình kỳ diệu đó, Newcastle chỉ thủng lưới 1 bàn, dẫu trước đó hàng thủ đội bóng này tưởng chừng như “không thể cải tổ được” với 14 bàn thua/7 trận. Với Pardew, đội bóng Đông Bắc nước Anh trình diễn một lối đá xù xì nhưng thừa chất lượng. Họ phòng ngự chắc chắn và có thừa nanh vuốt để nghiền nát con mồi chỉ trong vài phần giây lơ đãng. Đó cũng là lí do mà Newcastle trụ vững ở vị trí thứ 5, dù họ là đội bóng có hàng công kém nhất top 10.
“Pardew back from hell” – “Pardew trở về từ địa ngục”, đó là khẩu hiệu mà CĐV của Chích choè đã giăng ra trong trận đấu mới nhất. Là sự kiên nhẫn đến vô tâm của Mike Ashley, hay sự xuất thần của Ayoze Perez đã cứu Pardew? Không phải, có lẽ bởi người thuyền trưởng của Newcastle chưa bao giờ rơi xuống địa ngục. Gương mặt của Pardew vẫn vậy, không bao giờ hoang mang hay sợ hãi dù khó khăn đã ở cận kề. Chẳng có ngọn lửa tàn nào có thể chiếu sáng cả màn đêm, nếu nó không sẵn có một sức sống mãnh liệt. Alan Pardew là vậy, Newcastle của ông là vậy. Chỉ khi có sóng gió ập đến, cánh buồm ấy mới có thời cơ căng ra để đưa con tàu miền Đông Bắc nước Anh vượt qua biển lớn.