2 THÔNG ĐIỆP CỦA BÓNG ĐÁ TẤN CÔNG
- Trung bình mỗi trận đấu có khoảng 2,8 bàn thắng, đó có phải là cơ sở để khẳng định kỳ World Cup này tôn vinh bóng đá tấn công, thưa ông?
+ Không khó để khẳng định đây là kỳ World Cup của bóng đá tấn công. Ngay ở đội hình đăng ký thi đấu, các đội cũng dùng gần 2/3 số lượng cầu thủ có thiên hướng tấn công. Thậm chí, nhiều đội như Brazil, Hà Lan, Uruguay, Tây Ban Nha, Anh, Nhật Bản…, khả năng tấn công bằng 2 hậu vệ biên, ghi bàn bằng trung vệ là rất cao.
Mặt khác, chúng ta thấy các ĐTQG lớn ở châu Âu đều xây dựng lực lượng nòng cốt gồm các cầu thủ của CLB chơi tấn công. Ngoài ra, với các đội Nam Mỹ như Brazil, Argentina…, tấn công là lẽ sống vì họ không chỉ phải thắng mà phải thắng đẹp, thắng đậm.
- Đã có rất nhiều chiến thắng đậm ở kỳ World Cup này. Ông ấn tượng nhất với chiến thắng nào?
+ Đương nhiên, đó phải là trận Hà Lan vượt qua Tây Ban Nha 5-1. Vào giải năm nay, Tây Ban Nha là ĐKVĐ châu Âu, ĐKVĐ thế giới và cũng sở hữu các CLB vô địch tuyệt đối ở lục địa già. Thế nên, tôi thực sự sốc khi họ thua nặng nề đến vậy, dù bản thân tôi cũng được chuẩn bị tâm lý khi xem trận đấu.
Trước trận đấu, có ai nghĩ Đức thắng Bồ Đào Nha của Ronaldo với tỷ số 4-0 không? Tôi nghĩ là mọi người đều nghiêng về Đức nhưng nếu dự báo Đức thắng 4-0, chắc người ta sẽ bảo mình hâm. Hay như trận Thụy Sỹ - Pháp, có 7 bàn thắng được ghi. Với tư cách là một người tận hưởng bóng đá, tôi thích những chiến thắng này.
- Những trận đấu có nhiều bàn thắng như vậy mang lại thông điệp gì, thưa ông?
+ Có ít nhất 2 thông điệp được World Cup 2014 truyền tải cho tới thời điểm này. Thứ nhất, quá rõ ràng, kỳ World Cup này hội tụ rất nhiều ngôi sao tấn công và phần lớn trong số họ đang góp công lớn vào một kỳ World Cup đầy chất cống hiến. Tôi tin rằng, nếu những ngôi sao sáng, như: Falcao của Colombia, Reus của Đức… không bị chấn thương hay Thụy Điển của Ibrahimovic được tham dự, số lượng các bàn thắng sẽ không chỉ dừng lại ở đó. Điều thứ hai, đó là dấu ấn về chiến thuật mà ở đó, tất cả các HLV và cầu thủ đều tận dụng những cơ hội, dù là nhỏ nhất để ghi bàn.
Brazil thể hiện lối chơi counter - pressing
- Ông có thể phân tích sâu hơn dấu ấn về chiến thuật dẫn tới sự bùng nổ bàn thắng?
+ Hãy lấy đội Brazil làm ví dụ. Những bàn thắng của Neymar và cách đá của Brazil thể hiện lối chơi counter - pressing đang rất thịnh hành ở châu Âu mà Dortmund và Atletico Madrid đã áp dụng thành công những năm vừa rồi. Tinh thần của chiến thuật này là khi mất bóng, cả đội vây luôn trên sân đối phương, đoạt được bóng và phản công nhanh để ghi bàn, khoét vào chính những lỗ hổng của đối thủ đã trót dàn quân tràn lên tấn công.
Chúng ta hãy cũng phân tích bàn thắng đầu tiên của Brazil tại World Cup 2014. Oscar áp sát và đoạt được bóng của một cầu thủ Croatia, rồi chuyền cho Neymar sút chân trái ghi bàn. Ở trận gặp Cameroon, Gustavo lấy bóng trong chân đối phương, dốc cánh, tạt ngang cho Neymar lao vào đệm lòng dứt điểm thành bàn. Ngay sau đó, David Luiz bấm bóng bổng vượt tuyến, cầu thủ Cameroon đánh đầu phá bóng, Marcelo đoạt được bóng và chuyền sang, Neymar đi thêm 2 nhịp rồi dứt điểm.
Tôi nhìn nhận Brazil là đội bóng lớn chính nhờ những bàn thắng ấy. Tất cả các yếu tố chiến thuật, sự đột biến, kỹ thuật siêu đẳng đều được kết tinh ở những tình huống ấy.
Hay như Hà Lan, họ chơi thứ bóng đá rất biến hóa, gồm: bóng dài, bóng bổng, bóng nhỏ, đột biến cá nhân, phối hợp trung lộ và cả bóng “chết”. Trước một Tây Ban Nha yếu ớt và cạn kiệt ý tưởng, Hà Lan chiến thắng bằng tốc độ, sự đa dạng và họ tận dụng cả những tình huống sai lầm của thủ môn Casillas. Hay như trận Hà Lan thắng Chile, họ chỉ kiểm soát bóng hơn 30% nhưng 4 lần đổi chiến thuật và 2 cầu thủ thay người đều ghi bàn đã mang về chiến thắng 2-0.
KHÔNG CÓ KHÁI NIỆM ĐỘI BÓNG NHỎ Ở WORLD CUP
- Tây Ban Nha, Anh, Italia là những ông lớn đã phải tạm biệt Brazil ngay sau vòng bảng. Đây có lẽ là kỳ World Cup của những đội bóng nhỏ, thưa ông?
+ Về cơ bản, trụ cột của các đội dự World Cup đều là những người đã chơi bóng ở châu Âu hoặc đang tỏa sáng ở đó nên chất lượng là không cần phải bàn cãi. Tôi nghĩ, đã lọt vào một kỳ World Cup thì không có khái niệm đội bóng nhỏ. Vấn đề cốt yếu là họ đã chuẩn bị thế nào cho kỳ World Cup này mà thôi. Nghe thấy Costa Rica, ai cũng nghĩ chắc là đứng bét bảng D nhưng rồi họ đã thắng cả Uruguay và Italia trước khi hòa Anh ở trận cuối mang tính thủ tục.
Costa Rica đã thắng cả Uruguay và Italia
- Như vậy, không có đội bóng nhỏ mà chỉ có đội bóng lớn nhưng giải này không còn lớn nữa, thưa ông?
+ Chất lượng cầu thủ là điều quan tâm đầu tiên nhưng sự chuẩn bị cho World Cup còn quan trọng hơn rất nhiều. Tây Ban Nha là “ông lớn” nhưng không có thời gian để chuẩn bị cho giải đấu này bằng loạt trận giao hữu cần thiết và các cầu thủ trụ cột cũng thi đấu trên 60 trận trong mùa giải qua. Trong khi các giải VĐQG khác đã kết thúc từ trước hoặc đầu tháng 5 và họ có nhiều thời gian để nghỉ ngơi trước khi tập luyện trở lại chuẩn bị cho World Cup. Đó là chưa kể đến những khó khăn có thể phát sinh trên đất Brazil, đặc biệt là yếu tố thời tiết.
- Một câu hỏi đặt ra là Premier League, La Liga và Serie A là 3 trong 5 giải VĐQG hàng đầu thế giới nhưng Anh, Tây Ban Nha và Italia lại bị loại sớm?
+ Câu trả lời nằm ở chính các lính lê dương. 3 giải đấu kể trên hấp dẫn phần lớn là nhờ các cầu thủ và HLV ở nơi khác đến. Ví dụ ĐT Tây Ban Nha đá Tiqui-Taca nhưng điểm đột phá chính là Messi, hay như ĐT Anh xây dựng lối chơi trên những con người Liverpool nhưng ai cũng biết, cầu thủ quan trọng nhất chính là Suarez…
Trong khi đó, các cầu thủ ở đội khác ý thức được mình còn nhiều khó khăn, không có những ngôi sao và tập trung thi đấu, tập trung tập luyện và họ thành công. Messi, Suarez hay Robin van Persie tuy đều thi đấu cùng CLB với Iniesta, Gerrard hay Rooney nhưng khi về ĐTQG họ được “hít thở” một tinh thần hưng phấn và sự chuẩn bị chu đáo nên vẫn chơi hiệu quả và đầy cảm hứng.
- Ông có thể nói rõ hơn vai trò của HLV trưởng của các đội trong nỗ lực khẳng định tầm vóc?
+ Chúng ta thấy rồi, Brazil có đội hình công thủ toàn diện và đều là ngôi sao nhưng siêu sao ở đội bóng này là Felipe Scolari - một nhà cầm quân có ảnh hưởng và đặc biệt là một nhà tâm lý đại tài. Ông là người quyết định tất cả ở đội bóng này.
Robben, Robin van Persie chơi xuất thần nhưng kiến trúc sư trưởng cho thành công của Hà Lan phải là HLV Luis van Gaal - một nhà cầm quân giàu kinh nghiệm và cực kỳ có cá tính. Chính tài năng, cá tính mạnh và cả sự mềm dẻo đã giúp Van Gaal đoàn kết được một tập thể từng nổi tiếng với những vấn đề nội bộ, mất đoàn kết và ích kỷ.
HLV Joachim Loew của Đức cũng là một người như vậy. Đây cũng chính là điểm tựa để 3 đội tuyển này là ứng cử viên vô địch số 1, 2 và 3 dưới góc nhìn của tôi.
- Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này!