Dĩ nhiên, “Vua bóng đá” đã đoán sai. Nhưng điều quan trọng là bóng đá châu Phi bây giờ có lại hy vọng thành công ở đấu trường World Cup như trong thập niên 1990?
NGÔI SAO CHÂU PHI KHÔNG CÒN LÀ CỦA CHÂU PHI
Bốn năm trước, gia đình Boateng đã đi vào lịch sử World Cup, khi người anh là Kevin-Prince Boateng đối đầu với cậu em ruột Jerome Boateng ở trận Ghana - Đức tại World Cup 2010. Đấy là kỷ lục hy hữu, nhưng kỷ lục ấy lại làm toát lên một vấn đề lớn mà bây giờ chẳng còn ai lấy làm lạ: cầu thủ châu Phi (hoặc gốc châu Phi) khoác áo một ĐTQG không thuộc châu Phi. Cứ nhìn vào những cái tên như Lukaku, Benteke, Dembele, Chadli, Fellaini, Bakkali trong đội tuyển Bỉ là đủ biết họ xuất phát từ châu lục nào.
Việc Lukaku và Benteke đều khoác áo Bỉ thay vì ĐTQG của quê hương họ (CHDC Congo) dĩ nhiên là hợp lệ: không chỉ đúng luật bóng đá mà còn phù hợp với cuộc sống (bây giờ, xã hội nào cũng đa chủng tộc). Điều đáng nói ở đây chỉ là: họa hoằn lắm mới có một ngôi sao đi ngược trào lưu, như Kevin-Prince Boateng chọn màu áo Ghana chứ không phải Đức. Thật ra, Kevin-Prince Boateng đi ngược trào lưu, chọn màu áo Ghana, chẳng qua vì anh dễ có chỗ đứng trong đội hình chính Ghana hơn là ở đội hình Đức!
Tình trạng nêu trên làm cho bóng đá châu Phi “thất thoát tài năng”, với hệ quả tất yếu là các đội tuyển châu Phi bây giờ không còn có nhiều ngôi sao như khoảng 20 năm trước. Bóng đá châu Phi bây giờ khan hiếm ngôi sao đến nỗi, chỉ mới cách đây không lâu, giới hâm mộ Nigeria mới thở phào nhẹ nhõm, biết chắc rằng các hảo thủ Victor Moses và Shola Ameobi là... của họ. Ai xem Premier League cũng biết Moses và Ameobi. Họ chỉ không biết, rút cuộc thì các cầu thủ người Nigeria ấy... có chọn đội tuyển Nigeria hay không!
ĐỪNG CHỜ ĐỢI NHỮNG BẤT NGỜ
Trước đây, những Milla, Amokachi, Madjer, Diouf... bất ngờ cùng đồng đội làm nên chuyện ở đấu trường World Cup một phần vì đối phương vừa chủ quan, vừa không hiểu rõ về họ. Bây giờ, yếu tố “khinh địch” không còn nữa. Vả lại, các hảo thủ châu Phi bây giờ đều đã nhẵn mặt trên các sân cỏ châu Âu, ai cũng biết rõ về họ. Thế nên, bóng đá châu Phi khó lòng gây được tiếng vang bởi yếu tố bất ngờ không còn nữa. Thậm chí, có khi người ta còn phải dự đoán “bất ngờ” theo hướng tiêu cực: các ngôi sao châu Phi khi dự World Cup thì không tỏa sáng như sự chờ đợi. Một là, khả năng bị “bắt bài” cao. Hai là, tinh hoa của các ngôi sao châu Phi - phong độ, thể lực, tinh thần quyết đấu... - đã được dồn cả vào CLB của họ, nơi họ lĩnh lương hàng tuần. ĐTQG chưa chắc đã được xem trọng!
Trong 6 đội tuyển châu Phi dự VCK World Cup 2010, có đến 5 đội dừng chân ngay sau vòng bảng, 3 đội xếp chót bảng và 1 đội chuốc lấy kỷ lục không ai muốn có (Nam Phi trở thành đội chủ nhà World Cup đầu tiên không vượt qua được vòng 1).
Ghana lọt vào tứ kết, nhưng đấy không bao giờ là kết quả bất ngờ. Đội này vượt qua vòng bảng nhờ hơn Australia về chỉ số phụ, và thắng Mỹ ở vòng 1/8 để vào tứ kết. Ghana cũng là đại diện châu Phi duy nhất lọt vào giai đoạn knock-out tại World Cup 2006. Kỳ này, họ rơi vào một bảng khá nặng tại World Cup 2014 (gặp Mỹ, BĐN, Đức) và không dễ lặp lại thành công như 2 lần giải vừa qua.
VẪN CÒN ĐẤY NHỮNG NHƯỢC ĐIỂM LỚN
Một mặt, bóng đá châu Phi đã mất đi những ưu điểm lớn từng đem lại thành công trong thập niên 1990 (luôn có yếu tố bất ngờ và không thiếu tài năng). Mặt khác, những khuyết điểm cố hữu của bóng đá châu Phi thì lại còn nguyên. Đó là khâu tổ chức, điều hành của giới quản lý và tinh thần kỷ luật của các cầu thủ.
Người ta chẳng hiểu Nigeria đá giao hữu với Mexico, Scotland, Hy Lạp, Mỹ làm gì trong khi đối thủ của họ tại World Cup 2014 là Argentina, Bosnia, Iran! Đã vậy, bóng đá đỉnh cao lại thay đổi quá nhiều so với thời kỳ mà các đại diện châu Phi như Cameroon, Nigeria gây bất ngờ lớn ở đấu trường World Cup. Tất cả đều có vẻ đang chống lại bóng đá châu Phi.
Vì đặc điểm chung là các hảo thủ chinh chiến khắp nơi, ĐTQG thì chỉ gặp nhau vài lần mỗi năm, nên các đội bóng châu Phi hiếm khi lấy yếu tố đồng đội làm nền tảng để xây dựng lối chơi. Muốn thành công, họ phải chọn cách chơi sao cho vai trò cá nhân của các ngôi sao được phát huy đến mức tối đa có thể.
Ngoài ra thì các yếu tố như đột biến, sáng tạo đều được xem trọng. Trong khi đó, bóng đá đỉnh cao ngày càng tôn vinh giá trị đồng đội, xem trọng sự nhuần nhuyễn, ăn ý trong lối chơi. Atletico Madrid đâu cần có ngôi sao, cũng đâu cần một lối chơi sáng tạo để dẫn đầu La Liga đến tận vòng đấu áp chót đồng thời vào tận chung kết Champions League!
Cuối cùng, bóng đá châu Phi khó gây tiếng vang tại World Cup 2014 vì vai trò HLV trưởng bây giờ quá quan trọng. HLV bản địa thì năng lực chuyên môn không cao, kinh nghiệm quốc tế cũng không già dặn. HLV nước ngoài thì chỉ có đẳng cấp trung bình, ít tên tuổi mới sang châu Phi cầm quân. Hãy xem các “tướng” cỡ Halilhodzic, Finke, Lamouchi, Appiah, Keshi có làm nên chuyện tại Brazil 2014 hay không?