Mùa giải tới, các đối thủ sẽ phải dè chừng đội bóng xứ Thanh, họ xứng đáng được coi là một ứng cử viên sáng giá cho cuộc đua tới chức vô địch V.League 2016.
QUÁ KHỨ KHÔNG VẺ VANG
Thời bao cấp, Thanh Hoá chỉ là đội bóng nhà nghèo, mùa này qua mùa khác sống với mục tiêu trụ hạng. Tới khi lãnh đạo Tỉnh quyết định “nâng cấp” đội bóng, giao cho bầu Đệ quản lý, họ mới thoát “cuộc sống con nhà nghèo”. Tuy nhiên, chưa bao giờ đội bóng xứ Thanh được coi là “con nhà giàu”.
Nếu như bầu Đức, bầu Hiển, bầu Trường... thực sự là chủ các đội bóng, họ bỏ tiền túi, chi không tiếc tay, biến CLB của mình thành những đại gia trong phút chốc thì bầu Đệ lại chỉ là người được Tỉnh giao quản lý. Tiền nuôi đội đến từ ngân sách Tỉnh và một hội đồng doanh nghiệp với hơn chục thành viên cùng chung tay góp sức vì bóng đá tỉnh nhà.
Cách đây khoảng 3 năm, kinh tế suy thoái, các ông bầu không còn dốc tiền đầu tư vào bóng đá nữa, Thanh Hóa mới bất ngờ được chuyển lên “chiếu trên”. Tuy nhiên, đội bóng này chỉ được đánh giá là “có nền tảng tài chính ổn định” chứ chưa từng được coi là “đại gia” ở V.League.
Ngày 26/4/2014, Thanh Hóa gục ngã trên sân của Than Quảng Ninh. Hệ quả, chỉ một ngày sau họ mất ngôi đầu vào tay Becamex Bình Dương, đội bóng xuất sắc giành trọn 3 điểm ngay tại “chảo lửa thành Vinh”. Sau bước ngoặt đó, Thanh Hóa không còn là đối thủ song hành cùng B.Bình Dương trong cuộc đua tới ngôi vô địch, cuối cùng họ cán đích V.League 2014 ở vị trí thứ Ba, giành HCĐ.
Phải sang V.League 2015, sau 444 ngày, Thanh Hóa mới “báo thù” thành công. Cú vấp ngã của B.Bình Dương trước tân binh Sanna Khánh Hòa - Biển Việt Nam ngay trên sân nhà Gò Đậu giúp đội bóng xứ Thanh trở lại ngôi đầu. Tuy nhiên, ngay kể cả khi ở đỉnh cao, người hâm mộ cũng như cầu thủ Thanh Hóa cũng không đủ tự tin để nói về chức vô địch V.League.
“Dù đang đứng đầu bảng nhưng phải thừa nhận Thanh Hóa không phải là “ông lớn”. Chất lượng đội hình chúng tôi không thể sánh với B.Bình Dương hay Hà Nội T&T. Đội không nghĩ nhiều về chức vô địch, chỉ biết cố gắng trong từng trận đấu một mà thôi”, đội trưởng Đức Tuấn chia sẻ.
Trong thời khắc hạnh phúc nhất, Đức Tuấn vẫn giữ được cái đầu lạnh để nhìn nhận vấn đề. Trận thua đậm 2-5 trước B.Bình Dương vào tháng 8/2015, để rồi sau đó kết thúc V.League 2015 với vị trí thứ Ba đã chứng minh tất cả. BLĐ, cầu thủ và CĐV xứ Thanh đều thừa nhận việc bảo vệ thành công tấm HCĐ đã là thành công.
Chuẩn bị cho mùa giải 2015, Thanh Hóa không có được sự chuẩn bị tốt về mặt nhân sự. Ở vị trí ngoại binh, họ tiếp tục đặt niềm tin vào một Van Bakel đã luống tuổi và một Omar vừa trở lại sau thời gian dài thực hiện án phạt cấm thi đấu của FIFA.
Đội bóng xứ Thanh chiêu mộ thêm Đình Tùng và Sỹ Cường, hai người con lưu lạc xa quê. Tuy nhiên, đây cũng không phải là những hợp đồng được đánh giá cao bởi Đình Tùng mới trải qua ba năm tồi tệ cùng Hải Phòng và Sỹ Cường đã bước sang tuổi 31.
Điều đặc biệt là ở phía sau, tinh thần cầu thủ Thanh Hóa bị ít nhiều ảnh hưởng bởi yếu tố kinh tế. Lương, thưởng không những giảm mà còn bị chậm. Nếu không có tinh thần “chiến đấu vì màu cờ sắc áo, vì CĐV”, các cầu thủ đã chẳng thể tạo ra chuỗi 10 trận bất bại hồi đầu mùa.
LỘT XÁC CHỜ VƯỢT VŨ MÔN
Trong chiến tích bảo vệ thành công tấm HCĐ V.League, công lao không nhỏ thuộc về FLC. Tháng 6 vừa qua, sau khi vào tiếp quản đội bóng, Tập đoàn này đã làm một cuộc “cách mạng”.
Họ thanh toán toàn bộ lương thưởng còn nợ, mỗi trận thắng sau đó còn mạnh dạn rút ít nhất 500 triệu đồng để cho thầy trò HLV Nguyễn Thanh Tùng. Không còn lăn tăn về chuyện kinh tế, cầu thủ xứ Thanh thi đấu ấn tượng, cán đích ở vị trí thứ Ba, tốt hơn nhiều so với mục tiêu “nằm trong Top 5” đầu mùa đề ra.
Thực tế, tham vọng của FLC là ngôi vô địch . Tuy nhiên, thời điểm họ tiếp quản đội bóng đã quá giai đoạn chuyển nhượng. Do không thể tăng cường nhân sự, đội bóng xứ Thanh không thể cạnh tranh nổi với hai đội bóng “cực nhiều sao” là B.Bình Dương và Hà Nội T&T.
Tuy nhiên, mùa 2016 tới, các đội bóng ở V.League sẽ phải nhìn FLC Thanh Hóa với ánh mắt khác, coi họ là đối thủ nặng ký trong cuộc đua tới ngai vàng. Với nền tảng tài chính “không phải nghĩ”, đội bóng xứ Thanh trở thành CLB nhanh tay nhất trên thị trường chuyển nhượng.
“Đây là lần đầu tiên đội bóng dẫn đầu thị trường chuyển nhượng trước thềm mùa giải mới. Trước đây, vì kinh tế eo hẹp, đội bóng thường phải nhìn trước ngó sau kỹ càng mới dám lấy một ai đó, thế nên thường “vét chợ” trong mùa chuyển nhượng”, một thành viên ban lãnh đạo đội bóng FLC Thanh Hóa vui mừng chia sẻ.
Trong khi các đối thủ mới chỉ rục rịch tính chuyện tăng cường nhân sự thì Thanh Hóa đã thực hiện hàng loạt hợp đồng thuộc dạng “có số má”. Đội bóng xứ Thanh nhanh tay gia hạn hợp đồng với Van Bakel, Sỹ Cường, Omar đồng thời bỏ ra vài chục tỷ để chiêu mộ thủ thành Thanh Thắng, hậu vệ Đình Đồng, tiền vệ Văn Bình, tiền vệ Hoàng Thịnh. Đây đều là những cựu thành viên của U23 Việt Nam, những cầu thủ được đánh giá rất cao về chuyên môn.
Hoàng Thịnh đã chính thức đầu quân cho FLC Thanh Hóa
Điều đặc biệt, FLC Thanh Hóa đã xoá được cái mác “đội bóng các cầu thủ không muốn đến”. Trong quá khứ, việc bầu Đệ thanh lý hợp đồng với cầu thủ, đòi lại tiền không hay với Việt Thắng, Mạc Hồng Quân... đã khiến đội bóng xứ Thanh “mất điểm” trong mắt cầu thủ, khiến họ chỉ về với đội bóng này khi rơi vào thế “cùng đường” mà thôi. Giờ thì mọi chuyện đã khác, thương vụ Hoàng Thịnh là một điển hình.
Sau khi quyết định chia tay SLNA, Hoàng Thịnh cùng lúc nhận được lời mời của cả Than Quảng Ninh và FLC Thanh Hóa, với mức lót tay tương đương nhau, vào khoảng 2 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, cuối cùng tiền vệ sinh năm 1992 gật đầu về với xứ Thanh bởi đội bóng này “có tham vọng vô địch”. Với các cầu thủ, tiền quan trọng nhưng đôi khi tham vọng và danh hiệu vô địch cũng không kém phần quan trọng.
FLC Thanh Hóa giờ là điểm đến yêu thích của nhiều cầu thủ. Và đội bóng xứ Thanh cũng chưa có ý định dừng lại trên thị trường chuyển nhượng. Họ vẫn đang ấp ủ dự định tậu thêm một ngoại binh chất lượng cao để chia lửa cho Đình Tùng và Omar, thêm vào đó là hai hậu vệ thuộc hàng khủng bởi hậu vệ trái Đức Tuấn muốn trở về Hà Nội gần gia đình trong khi Van Bakel đã có tuổi.
Ngay cả ở vị trí HLV trưởng, FLC Thanh Hoá cũng đang “săn” một nhân vật đủ lớn cho tham vọng vô địch. HLV Hữu Thắng tiết lộ ông đã nhận được lời mời từ đội bóng xứ Thanh. Chiến lược gia họ Nguyễn từng vô địch V.League, thuộc dạng “cứng rắn”, có thể đưa cầu thủ vào khuôn khổ. Sau khi chia tay SLNA, anh đã nhận được không ít lời mời từ các đội bóng lớn như B.Bình Dương hay Than Quảng Ninh.
Nhiều khả năng HLV Hữu Thắng sẽ về dẫn dắt FLC Thanh Hóa mùa giải tới
Đặc biệt, FLC còn đang ấp ủ kế hoạch xây một “ngôi nhà mới” cho xứng tầm với đội bóng. Theo kế hoạch, tương lai không xa, FLC Thanh Hóa sẽ có một sân vận động mới khang trang hiện đại, kèm theo một Trung tâm huấn luyện “chất lượng cao”, đúng chuẩn mô hình chuyên nghiệp.
“Ngay từ khi tiếp nhận đội bóng, chúng tôi có cam kết với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa là sẽ tạo ra tập thể mạnh mẽ, có khả năng tranh chấp thứ hạng cao nhất. FLC Thanh Hóa phải trở thành niềm tự hào của người yêu bóng đá xứ Thanh. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục mang về những bản hợp đồng chất lượng nhằm nâng cấp đội hình, đảm bảo mục tiêu cho mùa giải tới”, chủ tịch Doãn Văn Phương chia sẻ.
Vẫn nhớ bài học Xi măng Công Thanh Xác định đội bóng là “tài sản chung của người dân cả Tỉnh” nên Tỉnh Thanh Hóa không “khoán trắng” CLB cho Tập đoàn FLC. “Phương thức Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm rất hay và đang được áp dụng ở FLC Thanh Hóa. Hàng năm, Tỉnh vẫn hỗ trợ đội, lo kinh phí đào tạo trẻ”, chủ tịch CLB FLC Doãn Văn Phương nói. Theo tìm hiểu của phóng viên BĐ&CS, mỗi mùa giải, Tỉnh Thanh Hóa chi khoảng gần 20 tỷ đồng cho công tác đào tạo trẻ của CLB FLC Thanh Hóa. Bên cạnh đó, Tỉnh cũng theo dõi sát sao, góp phần quản lý đội bóng. Có điều này là bởi Tỉnh không muốn lập lại thương vụ giống với Xi măng Công Thanh. Cách đây ít mùa giải, Tỉnh Thanh Hoá giao CLB cho Xi măng Công Thanh. Người hâm mộ xứ Thanh khấp khởi mừng thầm, chờ cơ hội đội bóng quê nhà đổi đời, bởi bầu Lý từng tuyên bố “tiền không thiếu”. Tuy nhiên, cuối cùng CLB rơi vào cảnh túng thiếu, cầu thủ không được chi cả tiền mua giầy, ăn sáng, kết cục phải xuống hạng. Lãnh đạo Tỉnh cũng đã làm việc với CLB FLC Thanh Hóa để đảm bảo đội bóng vẫn có chỗ cho các cầu thủ trẻ. Song song với việc mua sao số, đội bóng xứ Thanh kỳ vọng có thể có được những cầu thủ trẻ do mình đào tạo ra, ngày càng trưởng thành, trở thành ngôi sao. |