Bóng Đá Plus trên MXH

Hậu vệ Lê Đức Tuấn: Mỉm cười tự hào sau 12 năm bị nghi bán độ
Trung Yên • 13:44 ngày 16/11/2015
Sau trận chung kết SEA Games 22, Đức Tuấn sống trong những ngày tháng kinh hoàng, bị người hâm mộ nhìn như kẻ tội phạm. Quá áp lực, có lúc anh đã tính tới chuyện bỏ bóng đá. Nhưng rồi bằng nghị lực phi thường, bằng khát khao cháy bỏng chứng tỏ sự trong sạch của mình, anh đã đứng dậy bước tiếp.
    CÚ SỐC SEA GAMES 22
    Năm 2003, Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức SEA Games. Có lợi thế sân nhà, U23 Việt Nam đã thi đấu vô cùng ấn tượng, giành vé vào chơi trận chung kết. Người hâm mộ hừng hực niềm tin về việc bóng đá nước nhà sẽ có được tấm HCV SEA Games đầu tiên trong lịch sử. Thế nhưng cay đắng thay, trong trận đấu cuối cùng, thầy trò HLV Riedl đã thất thủ 1-2 trước Thái Lan, phải ngậm ngùi nhìn đối thủ đăng quang ngay tại thánh địa Mỹ Đình.

    Sau trận chung kết đầy cay đắng đó, mọi chuyện còn trở nên căng thẳng hơn với nghi án “bán độ”. Người hâm mộ cho rằng Đức Tuấn là một trong những “kẻ nhúng chàm” bởi trên sân Mỹ Đình, anh đã để đối phương có pha qua người quá dễ dàng, dẫn tới bàn mở tỷ số của Sarayoot. 

    “Trận chung kết trên sân Mỹ Đình thực sự đã thay đổi cuộc đời tôi. Đó là giai đoạn khủng khiếp nhất sự nghiệp cầu thủ. Tôi vừa phải chịu nỗi buồn thua trận, vừa bị người hâm mộ nhìn với ánh mắt nghi ngờ”, Đức Tuấn kế lại câu chuyện sau 12 năm.

    Đức Tuấn bảo người hâm mộ chỉ nhìn vào một sai lầm trên sân để kết tội anh mà không hề biết đằng sau đó là cả một câu chuyện dài. Thời điểm đó, hậu vệ trái số một của Việt Nam là Văn Trương. Tuy nhiên, cầu thủ này lại dính án treo giò, không được góp mặt ở trận chung kết. 

    U23 Việt Nam chỉ còn lại một hậu vệ trái đúng nghĩa là Lâm Tấn nhưng cầu thủ này lại không đủ tự tin để bước ra sân so tài với Thái Lan. HLV Riedl đã tính tới phương án đẩy Minh Phương (khi đó đá hậu vệ phải) sang đá bên trái, để Đức Tuấn đá hậu vệ phải sở trường nhưng cũng không được bởi cầu thủ sinh năm 1980 không đồng ý chơi trái giò.


    “Bí nước, HLV Riedl quay sang hỏi tôi dám đá hậu vệ trái không. Tôi gật đầu đồng ý bởi trong thời điểm đó, nếu tôi cũng từ chối đá hậu vệ trái thì lấy ai lấp chỗ trống mà Văn Trương để lại. Năm đó tôi mới 21 tuổi, lần đầu đá SEA Games và trận với Thái Lan cũng là lần đầu tôi chơi hậu vệ trái. Chính điều đó đã khiến tôi bị căng thẳng, không thể hiện được mình, dẫn tới sai lầm, để đối phương vượt qua ghi bàn. Đáng buồn là người hâm mộ nhìn vào sai lầm đó và nghĩ tôi nhúng chàm”, con trai cựu cầu thủ Lê khắc Chính kể lại.

    Sau trận chung kết SEA Games 22, Đức Tuấn sống những ngày tháng như ở địa ngục. Đi đâu anh cũng bị nhìn với ánh mắt nghi ngờ, như kẻ phạm tội. Mỗi khi ra sân đá cho CLB Hà Nội ACB, anh lại bị la ó chửi bởi. Đức Tuấn bảo điều đó là quá sức chịu đựng với một cầu thủ mới 21 tuổi, đêm nào anh cũng mơ thấy ác mộng. Không chịu nổi, Đức Tuấn đã tới gặp bố, xin giã từ sự nghiệp cầu thủ.

    “Bỏ bóng đá lúc này là thừa nhận mình có tội”, lời khuyên của bố làm Đức Tuấn bừng tỉnh. Anh quyết định chọn cách im lặng cố gắng thi đấu thật tốt, để chứng minh cho sự trong sạch của mình. Những nỗ lực của anh đã được đền đáp, người hâm mộ chuyển từ ánh mắt nghi ngờ, những lời la ó sang những tiếng vỗ tay mỗi khi Đức Tuấn ra sân đá cho Hà Nội ACB. 

    Tấm băng đội trưởng mà bầu Kiên trao cho anh đã phần nào chứng minh được sự trong sạch. Sau này, khi về đầu quân cho Thanh Hóa, Đức Tuấn cũng được ban lãnh đạo đội bóng xứ Thanh tin tưởng tuyệt đối về mặt tư cách đạo đức, trao cho anh tấm băng thủ quân.

    “12 năm đã trôi qua nhưng câu chuyện như mới xảy ra hôm qua. Giờ thì tôi tin nhiều người đã hiểu tôi, đã có cái nhìn công tâm hơn về trận chung kết trên sân Mỹ Đình năm 2002”, Đức Tuấn thở phào tâm sự.

    GIẤC MƠ LÀM HLV
    Năm nay đã 33 tuổi, Đức Tuấn biết mình không còn đủ thể lực để chơi bóng đỉnh cao lâu nữa. Anh muốn đá cố thêm một năm để “cháy nốt đam mê” trước khi giã từ sự nghiệp quần đùi áo số đầy thăng trầm của mình. Hợp đồng của Đức Tuấn mới hết hạn. CLB FLC Thanh Hóa đã ngỏ lời muốn gia hạn thêm. Tuy nhiên, ước muốn của hậu vệ họ Lê là trở về Hà Nội chơi bóng để gần gũi gia đình.

    “Với tôi, lúc này tiền bạc không còn quá quan trọng, nhận lương, lót tay ít chút cũng không sao. Tôi chỉ muốn được ở gần đề chăm sóc gia đình, vợ con tôi đã hy sinh cho tôi nhiều rồi”, Đức Tuấn chia sẻ.

    Huyền Trâm đến với Đức Tuấn trong những lúc sóng gió ập đến. Cô đã ở bên, động viên để cầu thủ sinh năm 1982 mạnh mẽ đứng dậy sau cú sốc SEA Games 22. Sau đám cưới năm 2009, cô sinh viên ngành du lịch đã chọn cách hy sinh nghề nghiệp yêu thích, ở nhà toàn tâm toàn ý chăm chồng chăm con. Những năm qua, Huyền Trâm cùng chồng về Thanh Hóa sinh sống nhưng nay con lớn đã 5 tuổi, bắt đầu đi học nên phải trở lại Hà Nội.


    “Huyền Trâm là một trong những người có công lớn giúp tôi vượt qua cú sốc SEA Games 22. Cô ấy đã luôn ở bên tôi, động viên tôi. Nếu không có Huyền Trâm, có thể tôi đã không có được như ngày hôm nay. Ông trời đẩy tôi vào hoàn cảnh éo le nhưng chính từ đây tôi lại gặp được niềm hạnh phúc của cuộc đời mình”, Đức Tuấn chia sẻ.

    Tranh thủ những ngày nghỉ giữa hai mùa bóng, Đức Tuấn khăn gói vào Huế học lớp bằng C HLV, chuẩn bị bước đầu tiên cho nghiệp làm thầy của mình. Anh bảo ước mơ của mình là được ươm mầm những tài năng mới cho bóng đá nước nhà.

    “Bóng đá đã trở thành một phần máu thịt trong tôi, không bỏ được. Làm HLV là cách tốt nhất để tôi tiếp tục với đam mê của mình. Góp phần tạo ra các cầu thủ yêu bóng đá cũng là điều tuyệt vời. Thêm nữa, ngoài bóng đá mình cung chẳng biết làm gì bởi cả đời đã gắn với môn thể thao vua rồi. Giờ chuyển sang nghề khác lại đi học hỏi từ đầu, cũng có chút mạo hiểm”, Đức Tuấn cười chia sẻ.

    Người vợ đảm đang Huyền Trâm là điểm tựa giúp Đức Tuấn có thành công như ngày hôm nay

    Hỏi Đức Tuấn còn gì nuối tiếc trong sự nghiệp quần đùi áo số không, gương mặt anh thoáng trở lại buồn. Cầu thủ họ Lê bảo anh chỉ tiếc đó là sự nghiệp trong màu áo tuyển khép lại khi mới chỉ 21 tuổi.


    Niềm đam mê với xế độ
    Nửa cuối năm 2014, Lê Đức Tuấn đã nhờ đồng đội Duy Nam tìm mua giúp chiếc xe Honda LA 250cc. Sau đó, thủ lĩnh của đội bóng xứ Thanh tìm tòi trên internet và quyết định độ lại chiếc xe của mình theo phong cách cafe racer. Đức Tuấn cho biết: “Tôi gửi xe vào Đà Nẵng từ tháng 11/2014 để độ, đến ngày 13/3/2015, chiếc xe mới hoàn thiện và gửi ra Thanh Hóa. Chi phí độ mất khoảng gần 30 triệu đồng, nhưng quan trọng là có được chiếc xe đúng theo ý mình”.


    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay