Bóng Đá Plus trên MXH

Hoàng Anh Tuấn - HLV đầu tiên của Việt Nam có bằng chuyên nghiệp
09:32 ngày 02/11/2015
“Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Câu tục ngữ ấy có lẽ rất đúng với những gì mà HLV Hoàng Anh Tuấn đang trải nghiệm. Sau khóa học để lấy tấm bằng huấn luyện Chuyên nghiệp (Pro License) kéo dài hơn 1 năm, chiến lược gia người Khánh Hòa thậm chí còn nhận được rất nhiều kiến thức mà gần 1 thập kỷ theo nghiệp cầm quân của ông vẫn chưa thể tích lũy.
    Nhân sự kiện ông Hoàng Anh Tuấn trở thành HLV đầu tiên của Việt Nam nhận Pro License, phóng viên Bóng đá & Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với chiến lược gia này xoay quanh chuyện đi học cũng như những quan điểm của ông về phương hướng phát triển của bóng đá nước nhà trong thời gian tới. 

    MỘT KHÓA HỌC GIÁ TRỊ HƠN 8 NĂM LÀM NGHỀ
    - Xin chào HLV Hoàng Anh Tuấn. Vừa qua ông đã hoàn thành xong khóa học nhận bằng huấn luyện Chuyên nghiệp (Pro). Vậy ông có thể cho biết bằng Pro đóng vai trò như thế nào trong hệ thống bằng cấp chứng chỉ hành nghề huấn luyện trên thế giới? 
    + Theo như tôi biết thì Pro License là bằng cấp chứ không phải chứng chỉ như cấp độ C, B, A. Nó có thể được xem như giấy phép hành nghề giúp các HLV đạt tiêu chuẩn dẫn dắt các CLB quốc tế cũng như ĐTQG trên thế giới. Trong khi đó, chứng chỉ C, B, A đều có thời hạn nhất định. Thí dụ như chứng chỉ cấp độ A chỉ có thời hạn là 3 năm. Sau đó HLV phải đăng ký học lại. 


    - Một HLV phải đảm bảo những điều kiện gì để có thể theo khóa học lấy bằng huấn luyện Chuyên nghiệp? 
    + Đầu tiên là họ phải có chứng chỉ cấp độ A. Sau đó là cần có quá trình huấn luyện hoặc tương đương là chứng chỉ giảng viên tham gia giảng dạy các khóa học huấn luyện. Về khóa học bằng Chuyên nghiệp này thì tùy thuộc theo khóa. Như của tôi thì nó bao gồm 5 học kỳ kéo dài từ tháng 4/2014 đến 10/2015 ở 4 nước là Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc và vừa qua là Thụy Sỹ. 

    Mỗi học kỳ sẽ kéo dài trong vòng 2 tuần. Trong mỗi học kỳ mình lại đến 1 CLB chuyên nghiệp ở quốc gia đó để học hỏi, tham khảo, phỏng vấn và trao đổi về kiến thức cũng như nghiệp vụ.

    - Nội dung, yêu cầu của khóa học nhận bằng huấn luyện Chuyên nghiệp như thế nào? 
    + Khóa học đi sâu vào chi tiết hơn so với khi học các chứng chỉ huấn luyện cấp độ C, B, A. Chẳng hạn nếu như học chứng chỉ A thì chúng ta chỉ biết tổng quan về phương pháp huấn luyện. Trong khi với bằng Pro thì các học viên sẽ đi vào chi tiết, từ những cái nhỏ nhất đến lớn nhất. Nó đi sâu vào mọi lĩnh vực của bóng đá từ chuyên môn, chiến thuật, kỹ thuật tâm sinh lý, quản lý đội bóng, tầm nhìn tương lai, phương pháp trong công tác huấn luyện hay quan hệ với truyền thông ra sao. Chẳng hạn với những bài học phỏng vấn thì có hẳn một bài học về cách trả lời câu hỏi, quan hệ với truyền thông. 

    HLV Hoàng Anh Tuấn chụp ảnh cùng ông Ioan Lupescu, cựu tuyển thủ Romania - Tiểu ban KT UEFA,...
    HLV Hoàng Anh Tuấn chụp ảnh cùng ông Ioan Lupescu, cựu tuyển thủ Romania - Tiểu ban KT UEFA,...

    - Cá nhân ông sau khi trải nghiệm khóa học kéo dài hơn 1 năm cảm thấy thế nào? Có nhiều trở ngại khi tham gia khóa học không?
    + Khó khăn đầu tiên là chỉ có một mình tôi ở Việt Nam đi học. Ngoài ra chương trình cũng rất khó, kéo dài, gây trở ngại nhiều về thời gian, cần tập trung đầu tư công sức, suy nghĩ cho nó. Tuy nhiên sau khi tham gia khóa học thì tôi mới thấy giá trị rất lớn từ đó. Nó có giá trị hơn cả 8 năm mà tôi trực tiếp làm huấn luyện viên trưởng ở CLB trước đây. Khi đi học tôi mới thấy được tầm nhìn bao quát, lĩnh hội những chi tiết cụ thể mà trước đó còn mông lung hoặc chưa thể học tới nơi tới chốn. 

    - Được biết ông đã tự bỏ ra chi phí không dưới 10.000 USD để theo học khóa huấn luyện này? Vậy đâu là động lực để ông quyết tâm theo học như thế? 
    + Tôi muốn được học, được lĩnh hội những kiến thức bóng đá hiện đại, được tiếp thu những cái tốt nhất để đóng góp công sức cho bóng đá Việt Nam. Ngay cả tiền, thậm chí là bằng cấp cũng không quá giá trị. Cái đáng giá nhất là những gì mình thu nhận được sau những bài học ấy. 

    ... ông Howard Willkinson, Chủ tịch hội đồng HLV Anh (trái) và Frank Ludolph, Trưởng ban đào tạo UEFA...
    ... ông Howard Willkinson, Chủ tịch hội đồng HLV Anh (trái) và Frank Ludolph, Trưởng ban đào tạo UEFA...

    “BÓNG ĐÁ VIỆT NAM CẦN CÓ NHỮNG GIÁM ĐỐC KỸ THUẬT”
    - Từ những kiến thức được học, ông thấy bóng đá Việt Nam còn hạn chế ở những yếu tố nào? 
    + So với bình diện Đông Nam Á thì xuất phát điểm của cầu thủ mình cũng là rất tốt. Nhưng rõ ràng là họ thiếu được đào tạo bài bản. Hệ thống đào tạo trẻ của chúng ta còn hạn chế. Bây giờ ở Việt Nam chỉ có khoảng 3 trung tâm được xem là bài bản. Đó là Viettel, PVF, HA.GL – Arsenal JMG. Nhưng nếu chỉ bấy nhiêu đó thôi là không đủ. 

    Trung tâm Viettel một khóa có thể cho ra  5-7 cháu chất lượng. Nhưng nếu có 10 trung tâm Viettel thì có phải chúng ta đã sở hữu tới 50-70 cháu không? Từ con số ấy mình chọn lọc ra 20-30 cháu chất lượng cao. Tức là mình nói về số lượng, phải nhân rộng nhiều trung tâm đào tạo trẻ. Từ số lượng sinh ra chất lượng. Khi tính cạnh tranh cao thì sản phảm làm ra mới đạt chất lượng như ý muốn. Bóng đá hiện đại họ đi trước chúng ta là ở cái đó. 

    Thứ hai là số lượng trận đấu cho cầu thủ trẻ trong một mùa. Nếu thi đấu ít thì làm sao có được chất lượng nhiều. Ví dụ như giải U21 đang diễn ra thì một đội đi đến trận chung kết cũng chỉ chơi khoảng 10 trận. Đối với bóng đá trẻ thì 10 trận trong một năm là quá ít. Tiêu chuẩn quốc tế đặt ra là trung bình một cầu thủ trẻ phải thi đấu từ 45-50 trận. Như vậy là chúng ta chưa đảm bảo. 

    Đương nhiên xét về điều kiện kinh tế thì Việt Nam chưa thể bằng được nhiều nước khác trên thế giới. Do đó mình cũng cần phải có định hướng phù hợp để tăng số lượng trận đấu cho cầu thủ trẻ lên mà vẫn tiết kiệm kinh phí. Chẳng hạn chia giải đấu theo vùng như Bắc, Trung, Nam, làm sao để gia tăng số lượng trận đấu cho các cầu thủ trẻ. 

    ...và cựu HLV Marcelo Lippi
    ...và cựu HLV Marcelo Lippi

    - Ngoài yếu tố về đào tạo trẻ, bóng đá Việt Nam còn cần bổ sung những điều kiện nào?
    + Trong luận văn tốt nghiệp, tôi có nói đến những cải tổ cho bóng đá Việt Nam. Ngoài đào tạo nhân lực, hệ thống thi đấu thì cần tập trung phát triển công nghệ và giám đốc kỹ thuật.

    Những báo cáo hiện tại chỉ có con số (thắng, thua, bao nhiêu bàn thắng, thua, đội nào vô địch) chứ không phải thông số. Những thông số tổng quan chẳng hạn như đánh giá tình trạng chung về mặt thể lực của bóng đá Việt Nam như nào. Cái đó cần phải có máy móc tính toán. 

    Thí dụ mấy chục phút bóng lăn, tỷ lệ kiểm soát bóng bao nhiêu %. Từ thông số ấy thì CLB mới biết họ yếu ở điểm nào để mùa sau bổ sung tốt hơn. Hoặc về mặt chiến thuật thì người ta phải xem xu hướng của các đội Việt Nam chơi sơ đồ gì hoặc đội vô địch chơi sơ đồ nào. Từ đó mình mới có thể kết luận con người Việt Nam chơi thế nào mới là phù hợp. Từ đó xây dựng lối chơi, triết lý bóng đá cho mình. 

    Ngoài ra bóng đá Việt Nam cần có GĐKT. Nhiệm vụ của GĐKT là gì? GĐKT phải có kế hoạch chuẩn bị, xây dựng triết lý bóng đá, lối chơi phù hợp với con người Việt Nam. Có tầm nhìn và có chiến lược đi đến tầm nhìn ấy. Chúng ta đưa ra mục tiêu là góp mặt ở VCK World Cup. Nhưng làm thế nào để có thể đạt được điều đó thì cần những hoạch định chiến lược của GĐKT. Thông qua các giai đoạn phát triển cầu thủ trẻ, các giải đấu tầm cỡ châu lục và thế giới cho giải trẻ thì mới có thể từng bước đạt đến mục tiêu cao nhất. 

    Bóng đá Việt Nam cần phải có GĐKT, đào tạo nguồn nhân lực, hệ thống thi đấu, công nghệ thông tin... Những yếu tố đó cấu thành cho sự phát triển cho bóng đá của mình. 

    - Sau khi nhận bằng huấn luyện Chuyên nghiệp, ông dự định tương lai tới đây như thế nào? 
    + Một HLV được xem là giỏi và có kinh nghiệm phải đạt 10.000 giờ huấn luyện trọng tâm, ước tính rơi vào khoảng 20 năm hành nghề. Theo thống kê của bóng đá thế giới thì phải đạt tiêu chuẩn đó thì mới được gọi là HLV giàu kinh nghiệm. Qua đây tôi mới thấy mình vẫn còn nhiều thiếu sót, cần phải bổ túc, trau dồi thêm. Và chắc chắn sắp tới tôi sẽ tham gia công tác huấn luyện.

    Hiện tại, tôi đang tự do. Rất nhiều CLB cũng đang ngỏ ý với tôi. Nhưng tôi vẫn bỏ ngỏ cơ hội, bất kể đó là đội bóng nào hay CLB nào. Tôi muốn được làm việc ở điều kiện phù hợp với triết lý bóng đá của mình. Vì như thế tôi có thể thực hiện những gì mình đã được học và cống hiến một cách tốt nhất cho bóng đá Việt Nam. 

    - Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

    Xét về bằng cấp, Kiatisak chưa xịn bằng Hoàng Anh Tuấn
    Kể từ khi trở thành HLV trưởng U23 Thái Lan vào năm 2013 rồi sau đó là ĐTQG nước này, Kiatisak Senamuang đã từng bước đưa bóng đá xứ Chùa Vàng trở lại vị thế đỉnh cao khu vực và hiện nay là nuôi tham vọng vươn tầm châu lục và quốc tế. 

    Mát tay với nghiệp cầm quân là vậy nhưng so về bằng cấp thì HLV Kiatisak hiện mới sở hữu chứng chỉ huấn luyện cấp độ A. Nguồn tin từ Bangkok Post cũng như Biên tập viên truyền hình của đài PBS (Thái Lan) cho hay, “Zico Thái” mới hoàn thành khoá học lấy chứng chỉ cấp độ A của AFC vào tháng 4 năm ngoái. 

    Cấp độ A là chứng chỉ huấn luyện cao thứ 3 của một HLV, xếp trên chứng chỉ B và  C. Tuy nhiên, nó xếp dưới bằng Chuyên nghiệp (Pro License) – thứ mà hiện tại HLV Hoàng Anh Tuấn đã sở hữu sau khi hoàn tất khoá học tại Thụy Sỹ thời gian qua. Điều đó đồng nghĩa xét trên khía cạnh bằng cấp, Kiatisak vẫn còn kém chút đỉnh so với người đồng nghiệp vừa giúp U19 Việt Nam giành vé dự VCK U19 châu Á 2016 tại Bahrain. 


    Minh Phương là cầu thủ đầu tiên theo học chứng chỉ Chuyên nghiệp
    Bên cạnh bảng thành tích ấn tượng trong sự nghiệp quần đùi áo số, cựu tiền vệ Nguyễn Minh Phương còn sở hữu một loạt bằng cấp huấn luyện đáng nể. Cụ thể ngay trong giai đoạn còn thi đấu, Minh Phương đã có chứng chỉ huấn luyện cấp độ C, B rồi sau đó là A. Ngoài ra, anh còn sở hữu bằng 2 bằng huấn luyện thể lực cấp độ 1A và 1B. 

    Sau khi tuyên bố giải nghệ ít ngày, Minh Phương hiện thực hóa tham vọng được dẫn dắt các CLB chuyên nghiệp khi theo học bằng Chuyên nghiệp dành cho một HLV. Qua đó, cựu tiền vệ tài hoa của SHB Đà Nẵng trở thành cầu thủ đầu tiên ở Việt Nam tham gia học lớp HLV Chuyên nghiệp (Pro License). 

     “Thực sự là cũng gặp nhiều khó khăn bởi thời điểm tôi tham gia học chứng chỉ cấp độ C (năm 2009) thì vẫn còn thi đấu cho cả CLB lẫn ĐTQG. Phải đến tận lần thứ 3 đăng ký thì tôi mới có thể đi học được. Và khi đó, cũng là thời điểm tôi đang nghỉ thi đấu vì… chấn thương. 


    Sau đó đến thời điểm học chứng chỉ B và A thì khi ấy V.League bước vào giai đoạn nghỉ nên tôi cũng mới tham gia được. Song song với đó, tôi cho rằng mình cũng có những thuận lợi nhất định khi trải qua nhiều đời HLV. Ngoài ra mọi thứ theo học cũng nằm trong chuyên môn của mình nên cũng dễ nắm bắt hơn”, Minh Phương chia sẻ. 

    Khóa học bằng Chuyên nghiệp mà Minh Phương đang theo học sẽ kéo dài đến năm 2017. Trước mắt vào năm sau, lớp học sẽ dự kiến tổ chức ở Hàn Quốc. 
    Trí Công • 09:32 ngày 02/11/2015

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay