Bóng Đá Plus trên MXH

Thành công của bóng đá Thái Lan là nhờ Kiatisak
20:23 ngày 19/10/2015
Chiến thắng 3-0 trước Việt Nam đủ để chúng ta phải thừa nhận một thực tế, bóng đá Thái Lan đã vượt tầm khu vực ĐNÁ rất xa. Vậy đâu là lý do để họ có những bước nhảy vọt ấn tượng, vươn lên tầm châu lục.
    Bóng đá & Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với anh Huỳnh Trí Thiện - phóng viên thường trú của báo Thanh Niên đồng thời là nghiên cứu sinh Ngành Quản lý Thể thao tại Thái Lan để làm rõ hơn sự phát triển của bóng đá Thái.

    NHẤT QUÁN MỘT TRIẾT LÝ BÓNG ĐÁ
    - Chào anh Huỳnh Trí Thiện. Theo dõi trận đấu giữa ĐT Việt Nam và ĐT Thái Lan cách đây ít ngày, anh có đánh giá như thế nào về lối chơi của người Thái so với chúng ta? 
    + Người Thái đã thi đấu đúng như chiến thuật đề ra. Điều này thì cả Trưởng đoàn lẫn HLV Kiatisak đều khẳng định sau đó. Từ trước trận đấu, Thái Lan đã muốn Việt Nam chơi tấn công ngay từ đầu để họ có thể khai thác sơ hở từ hàng thủ chúng ta. Cũng cần phải nói là Việt Nam đã không tận dụng được một số cơ hội có được. Nếu làm được thì có thể cục diện trận đấu sẽ khác.

    Còn nếu nói về lối chơi đồng đội thì Thái Lan hơn hẳn. Họ có sự kết nối tốt hơn chúng ta bởi các cầu thủ của Thái Lan đã gắn bó từ đội U19, U23 rồi đến ĐTQG. 

    Họ cùng nhau vô địch SEA Games 27 rồi nòng cốt của đội hình đó được đôn lên ĐTQG và đã vô địch luôn AFF Suzuki Cup 2014. Sự gắn kết giữa họ là rất tốt. Bàn thắng thứ 3 vào lưới Việt Nam là minh chứng cho sự ăn ý tuyệt vời. Đó là cái mà bóng đá Thái Lan nổi bật hơn Việt Nam. 

    - Bên cạnh yếu tố gắn kết trong một thời gian dài thì liệu còn yếu tố nào khác giúp cầu thủ Thái Lan thi đấu ăn ý? 
    + Ngoài yếu tố này không thể không nhắc đến vai trò của triết lý bóng đá của người Thái. Bóng đá nước này đã tuân theo một triết lý xuyên suốt từ khá lâu: lối chơi phải phù hợp với thể lực và điểm mạnh của các cầu thủ.

    Họ biết rõ cầu thủ của mình tuy có thể hình nhỉnh hơn một số nước trong khu vực nhưng vẫn lép vế khi so với các nước thuộc Đông Á và châu Âu. Do vậy họ bắt buộc phải sử dụng sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cầu thủ để tìm ra sơ hở của đối phương khi thi đấu. 

    Điều thuận lợi với bóng đá Thái Lan là hiện nay họ đang có một kiến trúc sư trưởng rất tài năng là Kiatisak. Bản thân HLV này cũng thấm nhuần triết lý ấy từ lúc còn thi đấu cho đến khi làm huấn luyện nên ông vẫn duy trì được phong cách như vậy. 

    HLV Kiatisak có công rất lớn trong việc nâng tầm bóng đá Thái Lan trên bản đồ bóng đá thế giới,
     tạo thành lối chơi có bản sắc rõ rệt cho bóng đá nước nhà

    Đó là lối chơi đồng đội, ban bật, kỹ thuật và tận dụng khoảng trống của đối phương để tạo ra cơ hội. Chẳng hạn như bàn thắng đầu tiên của Thái Lan vào lưới Việt Nam, hàng công của họ không phải cứ có khoảng trống là sút mà họ sẽ tìm cách chuyền ban bật trước vòng 16m50 để làm thế nào sao cho có người phù hợp nhất tận dụng cơ hội đó. 

    Cần nhấn mạnh là từ trước khi Kiatisak nắm quyền thì thật sự có nhiều thời điểm Thái Lan thi đấu với triết lý đề cập ở trên. Song cũng có lúc khi những HLV ngoại đến thì họ đã thay đổi lối chơi đó. Và phải đến khi Kiatisak nắm quyền lối chơi của bóng đá Thái Lan mới trở lại triết lý bản sắc và nâng tầm nó. 

    - Các CLB ở Thai Premier League có hỗ trợ nhiều cho triết lý bóng đá này không? Lối chơi của các đội bóng có giống hay phù hợp với ĐTQG không?
    + Có chứ. HLV Kiatisak được hưởng lợi khi có sự ủng hộ từ LĐBĐ Thái và các CLB trong nước. Các đội bóng mạnh như SCG Muangthong United, Chonburi, Buriram United hay BEC Tero Sasana đều có lối chơi tương đồng với ĐTQG. Và hiện tại bộ khung ĐT Thái Lan cũng dựa trên 3/4 lực lượng của các CLB này. Do đó lối chơi và phong cách đã được định hình từ CLB cho đến ĐTQG

    Bên cạnh đó, chủ trương của số đông CLB ở Thai Premier League (TPL) là chiêu mộ ngoại binh có kỹ thuật đến từ các nước La tinh hay Nhật Bản thay vì những cầu thủ thiên nhiều về sức. Theo tôi được biết, họ thường có 3 ngoại binh đến từ châu Âu hay Nam Mỹ cùng 1 ngoại binh ở châu Á (theo bắt buộc của giải). Và đó là nguyên nhân để các CLB góp phần vào hỗ trợ bóng đá Thái Lan nói chung cũng như ĐT Thái Lan nói riêng. 

    CÔNG TÁC ĐÀO TẠO TRẺ PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ 
    - Anh có nhắc tới việc lứa cầu thủ tập trung cùng nhau từ lứa U19. Vậy ở lứa U19, người Thái chọn lựa tài năng như thế nào? 
    + Trước đây, có một số thông tin nói là họ lựa chọn các cầu thủ U19 theo hình thức “trại Hè bóng đá”. Tức là kêu gọi cầu thủ đến tham gia và từ đó tuyển chọn. Nhưng đó chỉ là cách nói vui của truyền thông Thái Lan mà thôi. 

    Thực sự, hệ thống đào tạo và chọn lựa tài năng trẻ của Thái Lan dựa vào bóng đá học đường và các học viện đào tạo của các CLB mạnh. Nghĩa là các trường học đều có sự ủng hộ cho bóng đá. Các trường hàng đầu của Thái Lan đều có những hạn ngạch về các cầu thủ cung cấp cho ĐTQG.

    Bên cạnh đó là hệ thống đào tạo trẻ của họ. Hiện nay hầu hết tất cả các CLB đều có lò đào tạo trẻ. Nhưng nói về chất lượng thì có khoảng 5-10 CLB có học viện danh tiếng. Họ có sự liên kết với các CLB ở châu Âu như Everton, Leicester City, ngoài ra còn phối hợp với Nhật Bản hay Đức. 


    - Họ tổ chức giải đấu cho lứa cầu thủ trẻ thế nào? 
    + Do làm theo format của giải Ngoại hạng Anh, nên hàng tuần ở Thái Lan vẫn có những đội bóng trẻ (junior) thuộc các CLB đang chơi giải Thai Premier League ra sân thi đấu. Do đó, các cầu thủ trẻ có nhiều cơ hội để cọ xát thường xuyên. Bên cạnh những giải trẻ, những sân chơi như đại hội thể thao, đại hội sinh viên cũng diễn ra hàng năm. Rõ ràng, các cầu thủ trẻ Thái Lan có rất nhiều cơ hội. 

    - Năm nay, bóng đá Việt Nam cũng thành công khi lứa U16, U19 và U23 đều tham dự VCK châu Á. Bóng đá Thái Lan cũng làm được như vậy, thậm chí, còn vô địch U19 Đông Nam Á lẫn SEA Games. Vậy đâu là sự khác biệt khiến chúng ta chưa thể chạm ngưỡng đỉnh cao như người Thái? 
    + Do tôi làm cả về thể thao Việt Nam và Thái Lan nên tôi nhận thấy người Thái có tầm nhìn xa. Nghĩa là có những giải đấu người ta sẵn sàng không đặt mục tiêu phải vô địch bằng mọi giá mà thay vào đó là chọn lựa cho những mục tiêu dài hơi hơn. 

    Do đó, có thể trong lứa U15, U17, thậm chí U19 người ta không đặt mục tiêu giành chức vô địch nhưng mà người ta sẽ đặt mục tiêu từng giai đoạn đó thế nào cho đội tuyển. Ngoài ra, do Kiatisak chỉ nắm ĐTQG nên ông cũng có cái nhìn và sự chọn lựa theo tôi nghĩ là khách quan. Khách quan ở đây là chọn lựa cầu thủ dựa trên triết lý bóng đá chủ đạo. 

    Việt Nam cũng đang có sự tiến bộ về công tác đào tạo trẻ. Có rất nhiều lò đạo tạo đang nổi lên như HA.GL - Arsenal JMG, PVF, Viettel… Nhưng mà vấn đề ở đây là chúng ta cần một kiến trúc sư trưởng cho toàn bộ hệ thống bóng đá. 

    Nếu nói về lối chơi thì chúng ta cũng không thể nào suy nghĩ việc chơi lật cánh đánh đầu hay bóng dài. Tôi nghĩ chúng ta phải chơi khéo léo hơn phù hợp với thể chất người Việt Nam như là những pha phối hợp ngắn để mà tạo ra được khoảng trống. Và trước đây những thời điểm đội tuyển thành công thì đều vận dụng triết lý này.

    - Xin cảm ơn sự chia sẻ của anh!

    Chọn người không vì thứ hạng
    Một nghịch lý ở bóng đá Thái Lan lúc này là CLB BEC Tero Sasana - đội bóng đang được “Messi Thái” Chanathip Songkrasin đầu quân - dù đang thi đấu không thành công ở giải quốc nội nhưng lại là đội bóng có số lượng cầu thủ lên tuyển đợt này đông đảo nhất. 

    Cụ thể, họ đóng góp cho HLV Kiatisak tới 5 cầu thủ gồm hậu vệ Tristan Đỗ, Peerapat Notchaiya; Tanaboon Kesarat; tiền vệ Chanathip Songkrasin và tiền đạo Adisak Kraisorn. Con số này thậm chí còn nhỉnh hơn so với các CLB đang thuộc top đầu của giải Thai Premier League như SCG Muangthong United (3 cầu thủ), Buriram (3) và Chonburi (4). 

    Mâu thuận ở chỗ BEC Tero hiện đứng thứ 5… từ dưới lên trên BXH. Sau 24 vòng đấu, CLB của “Messi Thái” mới có được 22 điểm và chỉ cách vị trí xuống hạng đúng bằng một trận thắng. Lý giải cho điều này, anh Huỳnh Trí Thiện cho biết sở dĩ có trường hợp này là do những cầu thủ như Chanathip hay Tristan Do phù hợp với triết lý chơi bóng ngắn, kỹ thuật của HLV Kiatisak. Do đó họ được Zico Thái trọng dụng. 

    Tuy nhiên ở giải quốc nội, họ chỉ là những “cánh én chẳng làm nên mùa xuân” trong màu áo CLB. Bên cạnh đó cần nhắc thêm có một giai đoạn Chanathip dính chấn thương nên đội cũng sa sút và thi đấu không tốt. 


    Sao cũng ngồi nhà
    Triết lý huấn luyện của HLV Kiatisak là lối chơi kỹ thuật, bóng ngắn và đề cao tính đồng đội. Ngay ở trong cuộc họp báo sau trận Việt Nam - Thái Lan, chiến lược gia 42 tuổi này cũng nhấn mạnh trong đội hình của ông không hề có ngôi sao, tất cả đều thi đấu xuất sắc. 

    Chính bởi triết lý và tính kỷ luật thép này mà HLV Kiatisak cũng thẳng tay loại bỏ một số cầu thủ không phù hợp với phong cách của ông bất chấp việc họ là ngôi sao và thu hút một lượng rất lớn người hâm mộ ở đất Thái. 

    Teerathep Winothai - tiền đạo rất nổi tiếng từng có thời gian thi đấu trong màu áo Everton và đã ghi bàn vào lưới M.U giờ không còn nằm trong chiến lược của Zico Thái. Hay gần đây là trường hợp của “Ronaldo Thái Lan” Charyl Chappuis. Cầu thủ hiện đang nằm trong top hưởng lương cao nhất ở Thai Premier League cũng đang đối mặt với nguy cơ bị Kiatisak tảng lờ. 


    Bất chấp việc từng thi đấu rất hay tại SEA Games 27 và AFF Suzuki Cup 2014 nhưng với những chấn thương liên miên thời gian qua cộng thêm lối chơi dần thiếu đi điểm tương đồng với Kiatisak lúc này, Chappuis hoàn toàn có thể phải ngồi nhà xem đồng đội chinh chiến ở vòng loại World Cup.
    Trí Công (thực hiện) • 20:23 ngày 19/10/2015

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay