Nói rằng Carlos Tevez vẫn chưa “hết thời”, e rằng chưa đủ. Chẳng những “lợi hại hơn xưa”, anh còn đang có phong độ mà cựu danh thủ Juan Veron khẳng định là “hay nhất trong cả sự nghiệp”.
LỜI NĂN NỈ VÀ ĐIỀU KHOẢN ĐỂ TRỐNG
“Carlos, xin đừng rút lui”. Đấy là tựa đề của một bài báo hồi giữa tháng 4, giữa những tin đồn cho rằng Tevez sẽ về Argentina sau khi kết thúc hợp đồng hiện thời với Juventus vào năm 2016.
Tin hay không tùy bạn, nhưng còn có một bài báo khác nói rằng Juventus đã chìa ra bản hợp đồng mới, với điều khoản lương bổng vẫn đang để trắng, như một nỗ lực thuyết phục Tevez gia hạn hợp đồng. Mà Tevez đâu còn trẻ trung gì nữa (anh sẽ 32 tuổi khi hợp đồng hiện thời hết hạn).
Nếu chỉ là tin giật gân thì ít ra, cũng có cơ sở để người ta thêu dệt như vậy. Tevez đang có phong độ rực sáng trong những ngày này. Mới đến tháng 4, anh đã trở thành cầu thủ ghi bàn nhiều nhất trong một mùa bóng cho Juventus, kể từ sau Del Piero cách nay 9 năm.
Không chỉ ghi 20 bàn để dẫn đầu danh sách vua phá lưới ở Serie A, Tevez còn góp đến 7 đường chuyền thành và anh đương nhiên là cầu thủ tham gia trực tiếp vào các pha ghi bàn nhiều nhất ở Serie A. Tại Champions League, Tevez đã có 6 bàn. Anh đã không hề ghi bàn ở Champions League trong suốt 4 năm khoác áo Manchester City!
Một Tevez ở tuổi “xế chiều” bỗng dưng xuất sắc đến nỗi người ta đã phải mời anh trở lại đội tuyển Argentina vốn đã “chật ních” tiền đạo giỏi, sau gần 4 năm quên lãng. Và ở Argentina, dân chúng mộ điệu Tevez đến nỗi CLB Boca Juniors dám gây áp lực với Juventus bằng tuyên bố sẽ chi khoảng 10-14 triệu euro để rước anh về quê hương chơi bóng trước khi giải nghệ.
XUẤT SẮC TRONG MỌI KHÍA CẠNH
Đại khái, đấy là một vài chi tiết nói lên thành công của Tevez ở Juventus mùa này. Tất nhiên, giá trị đích thực của một ngôi sao không bao giờ giới hạn bởi những con số lạnh lùng. Còn phải bàn về lối chơi, tinh thần thi đấu, mức độ ảnh hưởng, và nhiều vấn đề khác nữa.
Ở trận gặp Empoli mới đây, Tevez mở tỷ số cho Juventus trong một tình huống sút phạt gián tiếp chỉ cách chung thành vài mét, với gần như toàn bộ đội hình đối phương che chắn khung thành. “Lão tướng” Tevez sút căng đến nỗi phải xem lại pha chiếu chậm thì mới thấy bóng.
Ở khu vực 30m cuối cùng, không có vị trí nào trên sân mà Tevez không để lại dấu giày. Anh ghi bàn và chuyền thành bàn thật nhiều trước tiên vì anh luôn chịu khó di chuyển để nhận bóng. Và trong số 20 cầu thủ ghi bàn nhiều nhất tại Serie A thì chính Tevez lại là cầu thủ mất bóng ít nhất.
Tevez xử lý bóng thông minh và quyết đoán, nhưng cũng là một tấm gương ở Juventus về ý thức kỷ luật chiến thuật - vốn là yêu cầu số 1 dưới thời HLV Antonio Conte. Tevez đã tỏa sáng từ thời Conte, giờ anh lại càng hay hơn dưới thời Max Allegri, một mẫu HLV khác hẳn, với quan điểm hướng tới sự đa dạng trong cách chơi.
Cứ thế, Tevez tỏa sáng trong những khía cạnh đáng lẽ phải đối lập với nhau. Rất lạ!
VƯƠN HẲN LÊN TẦM THỦ LĨNH
Một mặt, HLV Allegri bình luận: “Tevez là một tấm gương về kỷ luật cho toàn đội”. Mặt khác, ông lại giải thích phong độ sáng ngời của Tevez: “Tôi để anh ta thi đấu tự do hơn trước”! Hóa ra, khi mọi chuyện diễn ra ổn thỏa thì người ta nói gì nghe cũng có lý.
Hồi ở Manchester City, Tevez không chỉ gây thất vọng về mặt thành tích. Vẫn chưa ai quên câu chuyện cho rằng anh từ chối khởi động khi HLV Roberto Mancini chỉ đạo thay người. Anh xích mích với cả đồng đội lẫn HLV. Ngay cả khi Tevez là thành viên của đội M.U vô địch Champions League 2008, số người thích anh trong giới hâm mộ M.U cũng không nhiều.
Người ta chỉ thích nhắc lại những mối quan hệ rối như canh hẹ bởi Tevez chịu sự sở hữu của “bên thứ ba” trên thị trường chuyển nhượng. Và khi phải ra đi sau mối quan hệ không tốt đẹp với M.U thì Tevez hay “tỏ thái độ” dưới màu áo “Man xanh”.
Những chuyện như thế bây giờ tuyệt nhiên không thấy. Đấy cũng là nguyên nhân quan trọng giúp Tevez có một mùa bóng thành công nhất trong sự nghiệp. Nếu chỉ so sánh để thấy Tevez tại Juventus hay hơn thời kỳ anh khoác áo các đội Manchester, thì quá bình thường.
Tiếc rằng Juventus chỉ có mỗi Tevez? Cũng có thể. Dù sao đi nữa, Tevez nói riêng cũng như Juventus nói chung đã hoàn thành chỉ tiêu trong mùa bóng này. Họ đã quá thành công rồi, chỉ đang chờ xem... có thành công hơn hay không!
Tevez là hiện tượng lạ
Calcio với kỹ thuật cao nhưng tốc độ chậm, lối chơi nặng về chiến thuật và luôn lấy sự thận trọng làm đầu, chưa bao giờ là nơi thích hợp với các ngôi sao đã quen thi đấu trong thứ bóng đá ào ạt của Premier League. Ngay cả “nghệ sĩ lớn cuối cùng trên quê hương bóng đá”, Paul Gascoigne, cũng không thành công khi đến Serie A. Từ “bài học Gascoigne”, chủ tịch Sergio Cragnotti của Lazio thề rằng ông không bao giờ mua một cầu thủ đến từ làng cầu Anh nữa.
Vậy nên, khi xuất hiện tin đồn AS Roma muốn mua lại Glen Johnson từ Liverpool trong “cửa sổ mùa Đông” vừa qua, báo chí đã cay cú bình luận: “Serie A cần chấm dứt trào lưu mua hàng dạt từ Premier League”. Gọi là “hàng dạt” vì Calcio giờ đã nghèo hẳn, còn đâu khả năng chiêu dụ ngôi sao đang tỏa sáng!
Các cầu thủ đã hết thời tại Premier League như Vidic, Evra hay Ashley Cole
sang Serie A thường không để lại nhiều ấn tượng
Từng là trung vệ số 1 trên sân cỏ Anh, Nemanja Vidic chuyển từ M.U sang Inter chỉ để thường xuyên “hứng gạch”. Phòng ngự chểnh mảng đã đành, anh còn hay mắc lỗi cá nhân, dẫn đến bàn thua. Ashley Cole cũng “chìm nghỉm” dưới màu áo AS Roma, cũng hay mắc lỗi “chết người” như Vidic trong khi khả năng tham gia tấn công như lúc còn ở Chelsea thì đã thật sự trở thành dĩ vãng xa xăm.
Micah Richards, Fernando Torres, Patrice Evra, Mario Balotelli... đều chỉ hướng đến Serie A khi họ không còn chỗ đứng ở Premier League. Vẫn biết vậy, nhưng các đội bóng ở Calcio đành bấm bụng chấp nhận những bản hợp đồng mượn tạm hoặc chiêu mộ loại ngôi sao tự do chuyển nhượng hòng giảm chi phí.
Carlos Tevez là một trường hợp “ngược dòng” rất hiếm hoi, khi anh chuyển từ Premier League sang Serie A ở ngưỡng tuổi “băm” mà lại tỏa sáng, hay hơn cả lúc đang ở đỉnh cao phong độ trên sân cỏ Anh. Khi bán Tevez cho Juventus hồi năm 2013, cái được lớn nhất của Manchester City là họ không phải trả lương cho phần còn lại ở hợp đồng của một “ngôi sao hết thời”. Tính ra, Manchester City lợi những 27 triệu bảng dù Juventus khi ấy chỉ chi 10 triệu. “Bà đầm già” vớ bẫm!