Ông đã nhiều lần huấn luyện Barcelona và đội tuyển Hà Lan. Ông còn cầm quân ở Bayern Munich, hoặc gây tiếng vang qua việc đem về cho đội bóng nhỏ AZ Alkmaar chức vô địch Hà Lan.
Nhưng, đâu là dấu ấn rõ rệt của Van Gaal ở các đội bóng vừa nêu? Đặc sắc nhất là bài bản chiến thuật, mà đôi khi người ta “nâng tầm” thành triết lý riêng. Trong một hoàn cảnh cụ thể, nói chung là khó khăn về lực lượng, Van Gaal đã thành công lớn khi dùng đấu pháp hợp lý để đưa Hà Lan vào đến bán kết World Cup 2014. Còn trong hoàn cảnh thuận lợi, ông đã giới thiệu cả một lứa trẻ xuất sắc và đồng đều, với lối chơi đẹp mắt thiên về tấn công, ở Ajax 20 năm trước. Ông chế ngự được những “cây đa, cây đề” ở Bayern, làm thầy Jose Mourinho về mặt chiến thuật ở Barcelona.
Chúng ta chưa bao giờ thấy Van Gaal thành công trên thị trường chuyển nhượng, kiểu Arsene Wenger luôn mua trúng những “viên ngọc thô” để biến thành ngôi sao rực rỡ cho Arsenal (trước đây), hoặc “bán đúng, mua đúng” như Mourinho ở Chelsea hiện thời. Cũng bởi, Van Gaal rất hiếm khi trực tiếp nhúng tay vào lĩnh vực chuyển nhượng trong các đội bóng mà ông từng làm việc.
Ở Bayern, còn ai qua được Uli Hoeness trong lĩnh vực này? Barcelona cũng là đội bóng mà chức danh “giám đốc kỹ thuật” quan trọng chẳng kém HLV trưởng. Với Ajax, đấy lại là trường hợp khác. Đội này xưa nay chỉ đào tạo ngôi sao để bán, chứ chẳng bao giờ mua lại ngôi sao lớn từ những nơi khác.
Cũng có lần Van Gaal phụ trách lĩnh vực chuyển nhượng. Đó là vào năm 2004, khi ông trở lại Ajax với chức danh giám đốc kỹ thuật. Tranh cãi lập tức bùng nổ giữa Van Gaal với HLV trưởng Ronald Koeman. Ông phải từ chức ngay trong năm ấy!
Khó cho Van Gaal ở chỗ, bóng đá Anh có một khác biệt thấy rõ so với các nền bóng đá xung quanh. Đó là HLV trưởng phải quản lý nhân sự chứ không chỉ đảm trách vấn đề chuyên môn thuần túy. Chọn người để mua (hoặc bán) đã đành, một HLV trưởng ở Anh còn phải trực tiếp đàm phán hợp đồng, là người quyết định toàn cục trong một vụ chuyển nhượng. Ông ta phải nắm vững giá cả cũng như quy luật thị trường, phải đấu trí với các “siêu cò”. Đấy chính là sở đoản của một Van Gaal lừng lẫy danh tiếng?
Sẽ bị FFP “sờ gáy”? Chỉ trong vài tuần đầu tiên giữ ghế HLV trưởng M.U, Van Gaal đã chi tròm trèm 150 triệu bảng để mua Ander Herrera, Luke Shaw, Marcos Rojo, Angel Di Maria, Daley Blind và mượn Falcao. Ngược lại, ông chỉ bán được một cầu thủ giá cao là Danny Welbeck (16 triệu bảng). Khi Bebe, Patrice Evra và Alexander Buttner chuyển đi, M.U chỉ “gỡ” được chút tiền chuyển nhượng không đáng là bao. Federico Macheda, Nemanja Vidic, Rio Ferdinand đều ra đi trong tư cách cầu thủ tự do, giống như Darren Fletcher và Anderson trong mùa Đông này. Nhiều khả năng, những vụ chuyển nhượng sắp tới cũng sẽ như vậy. Cái khó của M.U là những cầu thủ mà Van Gaal muốn có chắc chắn sẽ bị “hét giá” thật cao trong khi những cầu thủ mà ông không cần dùng đến lại không dễ bán. Thời buổi này, ai sẽ chi khoảng 16 triệu bảng để mua một hậu vệ, như cái giá mà Arsenal chịu trả để mua tiền đạo Welbeck? Hậu vệ “thừa” trong tay Van Gaal không ít. Ngược lại, ông vẫn đang thiếu hậu vệ, nghĩa là sẽ bị “nói thách” trong việc tìm mua hậu vệ sắp tới. Một mặt, M.U vốn đã không phải là mẫu đội bóng tiết kiệm, theo nguyên tắc “bán rồi mới mua”, như cái cách mà Jose Mourinho đang làm ở Chelsea. Hồi M.U mua Juan Mata với giá 37 triệu bảng từ Chelsea, chính Mourinho giải thích: ông phải chấp nhận bán Mata cho một kình địch ở Premier League (thay vì bán sang các đội không trực tiếp cạnh tranh, ở TBN hoặc Italia), vì không ai trả được giá ấy! Mặt khác, Van Gaal lại không phải là HLV giỏi đàm phán trên thị trường chuyển nhượng. Vậy nên, công cuộc xây dựng lại lực lượng cho M.U dưới thời Van Gaal chắc chắn không có giá rẻ. Cần 100 hay 200 triệu bảng trong đợt chuyển nhượng sắp tới? Không nhiều thì Van Gaal khó có đủ lực lượng ưng ý. Quá nhiều thì lại đối diện nguy cơ vi phạm quy định công bằng tài chính (FFP). Khó chứ chẳng chơi! |