KHÔNG CHỈ LÀ SAY MEN CHIẾN THẮNG
Điều dễ thấy nhất: Van Gaal đã đưa đội tuyển Hà Lan - vốn không được đánh giá cao - đến vị trí số 3 tại World Cup 2014, thắng đậm cả hai đối thủ được đánh giá cao nhất trước giờ khai cuộc là ĐKVĐ TBN 5-1 trong trận ra quân và chủ nhà Brazil 3-0 trong trận cuối cùng, bằng sơ đồ chiến thuật 3-4-1-2.
Lạ ở chỗ: Van Gaal trước đó hầu như không bao giờ dùng sơ đồ ấy. Mãi đến tháng 3, nghĩa là đã khá lâu sau khi đưa Hà Lan vượt qua vòng loại World Cup một cách thuyết phục, lại khá cận kề với VCK, Van Gaal mới lần đầu tiên thử nghiệm cách chơi 3-4-1-2.
Đấy chẳng qua là giải pháp cuối cùng, khi hảo thủ Kevin Strootman - ngôi sao mới đáng chú ý nhất trong làng bóng Hà Lan - chấn thương không thể tham dự World Cup. Sự vắng mặt của Strootman làm cho nhiều vị trí khác trong đội hình Hà Lan cũng suy yếu, và Van Gaal không thể điều binh theo cách cũ nữa.
Thay đổi thế nào để rút cuộc thì dừng lại ở sơ đồ 3-4-1-2, đấy là cả một câu chuyện dài. Nhưng ở đây, hãy cứ thống nhất một điều: Van Gaal đã thành công tại World Cup 2014.
Ai nấy đều biết, Van Gaal là một con người tiêu biểu của bóng đá Hà Lan và ông gây tiếng vang lớn đầu tiên bằng việc đem về cho Ajax Amsterdam chức vô địch Champions League 1995. Đương nhiên, triết lý bóng đá của Van Gaal cứ phải xuất phát từ sơ đồ chiến thuật 4-3-3.
Ngoài ra, ông còn thường xuyên sử dụng sơ đồ 4-4-2, nhất là khi huấn luyện Bayern Munich hoặc AZ Alkmaar. Những lúc thành công với sơ đồ này, Van Gaal thường bố trí một tiền đạo thấp hơn tiền đạo còn lại, để tiền đạo lùi vừa có thể hỗ trợ cho các tiền vệ trong việc tranh chấp giữa sân, vừa tự do di chuyển để tạo sự linh hoạt trong lối chơi. Đấy chính là cách hoán chuyển 4-4-2 thành 4-2-3-1.
Tóm lại, Van Gaal không còn lạ lẫm với sơ đồ phổ biến nào. Phải có một sự tự tin cao độ thì ông mới quyết đoán sử dụng “chiêu mới” 3-4-1-2 ở World Cup. Cũng vì vậy, khi Van Gaal tiếp tục áp dụng sơ đồ 3-4-1-2 vào M.U thì đấy có lẽ không chỉ là sự say men chiến thắng. Phải còn nhiều lý do khác.
NHỮNG SỰ TƯƠNG ĐỒNG NHẤT ĐỊNH
Vấn đề đặt ra: vì sao Van Gaal cứ muốn M.U chơi theo cách chơi của đội Hà Lan tại World Cup 2014? Phải chăng, đấy là một sự rập khuôn đầy khiên cưỡng?
Bảo rằng một CLB Anh (M.U lại là CLB... rất “Anh”) với ĐTQG Hà Lan là khác hẳn nhau thì quá đơn giản. Cũng quá dễ để người ta chỉ ra những khác biệt lớn giữa hai đấu trường Premier League và World Cup. Nhưng chẳng lẽ một HLV từng trải, chinh chiến khắp nơi như Van Gaal, lại không nhận ra những khác biệt ấy! Phân tích kỹ, sẽ thấy không ít chỗ tương đồng giữa M.U trước mùa bóng này với đội tuyển Hà Lan trước World Cup 2014.
Mất mát lớn nhất của đội Hà Lan trước thềm World Cup là Kevin Strootman ở khu giữa sân, và khi không còn Strootman càn quét, công thủ toàn diện, thì các hậu vệ vốn không ở đẳng cấp quá cao của Hà Lan bị phơi bày. Họ đều không giải quyết tốt các tình huống “một chọi một”. Đấy cũng chính là hình ảnh của một M.U vẫn đang loay hoay đi tìm một mẫu Paul Scholes hoặc Roy Keane, lại đang khủng hoảng tài năng ở tuyến hậu vệ như hiện nay.
Tại World Cup, Van Gaal phải lo che đậy các điểm yếu ở hàng thủ trong khi sở trường của Hà Lan là hàng công, nơi Robin van Persie và Arjen Robben luôn có thể cứu cả đội bằng những giây phút lóe sáng theo hơi hướng cá nhân, kể cả khi họ không phối hợp ăn ý. Đấy cũng chính là đặc điểm của M.U, với Van Persie và Wayne Rooney trên hàng công.
Hà Lan tại World Cup 2014 khác hẳn với những gì người ta đã biết và hâm mộ về đội bóng có biệt danh “cơn lốc màu dam cam” trước đây. M.U bây giờ cũng đã khác xa so với thời kỳ rực rỡ của Alex Ferguson. Và khi Van Gaal đã tìm ra được phương thuốc để vực dậy đội tuyển Hà Lan, thì ông có quyền tin rằng mình cũng “chữa” được M.U.
VAN GAAL KHÔNG HỀ BẢO THỦ
Khi còn băn khoăn về hàng thủ Hà Lan, Van Gaal đến xem trận “đinh” Feyenoord - PSV ở giải Eredivisie và thấy đội chủ nhà chiến thắng bằng hàng phòng ngự gồm 3 trung vệ. Có thêm 1 trung vệ, Feyenoord hầu như không gặp tình huống “một chọi một” ở khu vực nguy hiểm. Thêm người chỗ này thì phải bớt người chỗ khác. Hậu vệ biên của Feyenoord phải kiêm vai trò tiền vệ, cáng đáng tốt cả hành lang.
Chẳng những tìm ra “đường sáng” cho Oranje, Van Gaal còn đưa luôn 3 hậu vệ Feyenoord (Stefan De Vrij, Bruno Martins Indi, Daryl Janmaat) vào đội hình chính trong sơ đồ mới 3-4-1-2. Và ông sử dụng sơ đồ xa lạ này trong lần đầu tiên cầm quân ở VCK World Cup. Một HLV bảo thủ có làm như vậy?
Về mặt cảm tính, có bao nhiêu người bảo Van Gaal “độc đoán” thì cũng có bấy nhiêu người bảo ông “dân chủ”. Có bao nhiêu người bảo ông “thủ cựu” thì cũng có bấy nhiêu người bảo ông tích cực “nghinh tân”. Kết luận về bản tính của một con người vốn chỉ được “gặp” trên các phương tiện thông tin đại chúng là điều không thể, hoặc không nên.
Dù sao đi nữa, Van Gaal cũng đã tỏ ra can đảm khi rất kiên định (cho tới thời điểm này) áp đặt triết lý của mình vào một M.U ba chìm bảy nổi. Câu chuyện vẫn còn nhiều điều thú vị phía trước.