Những bí mật tài chính đằng sau các thương vụ chuyển nhượng bom tấn trong vài năm qua đang dần được phơi bày ra toàn thế giới. Điển hình như phi vụ Gareth Bale chuyển tới Real Madrid vào năm 2013 được xác nhận là bản hợp đồng đắt giá nhất lịch sử, thay vì Cristiano Ronaldo năm 2009.
Không chỉ có Bale, hàng loạt bản hợp đồng đình đám khác cũng cho thấy giá trị thực của mình khác xa so với những gì được công bố trên các phương tiện truyền thông. Man City thông báo họ mua trung vệ Eliaquim Mangala từ Porto với giá 40 triệu euro nhưng thực tế đội chủ sân Etihad đã phải bỏ thêm 14,5 triệu euro cho tuyển thủ người Pháp.
Hay như phi vụ chuyển nhượng Anthony Martial từ Monaco sang Manchester United hồi hè năm ngoái, số tiền không chỉ dừng lại ở con số 50 triệu euro.
Martial không phải chỉ có giá 50 triệu euro
Chi tiết của những thương vụ trên đã được trang Football Leaks lục tìm và đưa ra ánh sáng trước sự che giấu của các CLB tại châu Âu. Trong khi những đội bóng, cầu thủ và người đại diện cảm thấy giận dữ khi bí mật của họ bị phơi bày thì ở chiều ngược lại, rất nhiều người tỏ ra đồng tình và hài lòng được biết sự thật.
Đây được cho là thành công lớn của Football Leaks, một trang web có sự tương đồng với WikiLeaks - nơi cung cấp bí mật của quan chức liên quan đến các vấn đề chiến tranh, gián điệp và tham nhũng hàng thập kỉ qua.
Football Leaks tự mô tả bàn thân họ là một tổ chức mới thành lập luôn tìm kiếm và theo đuổi sự thật. Họ tin rằng, chỉ bẳng cách thông qua áp lực lớn từ công chúng, những thay đổi mới được tạo ra.
Chi phí chuyển nhượng của Mangala khác hoàn toàn so với những gì Man City thông báo
Có những điều khoản trong hợp đồng Bale chuyển tới Real nhằm đảm bảo giữ kín về mức phí chuyển nhượng thực cũng như yêu cầu đội bóng Hoàng gia phải chắc chắn rằng ngôi sao người xứ Wales không có lời nhận xét nào mang tính tiêu cực và xúc phạm đến Tottenham, đến chủ tịch của CLB, ban lãnh đạo hoặc cả những nhân viên tại đây.
Tiếp sau đó, còn có những yêu cầu và ràng buộc khác nữa được gài trong bản hợp đồng như các cầu thủ được bán không vi phạm sử dụng doping hoặc phải tham gia buổi kiểm tra chất kích thích đầy đủ.
Chúng ta đều nhẫm lẫn về giá trị của mà các đội bóng tại Ngoại hạng Anh trả cho cầu thủ dù cho đó là cao hay thấp. Có lẽ, các câu lạc bộ muốn thuyết phục người hâm mộ rằng, họ đã mua được một cầu thủ tốt và đáng giá hơn giá trị thực.
Những cách thức làm việc của Football Leaks với các server từ nước Nga nhận được nhiều sự hoài nghi. Điển hình như tại Bồ Đào Nha, trang web này bị cảnh sát địa phương coi là tổ chức tội phạm quốc tế.
Thành viên Football Leaks luôn ẩn danh khi làm việc và họ khẳng định, mục đích ban đầu là để làm nổi bật việc sử dụng các quyền sở hữu của bên thứ ba, điều hiện tại là bất hợp pháp theo các quy tắc của FIFA.
Bale được xác định là bản hợp đồng đắt giá nhất thế giới
Có rất nhiều tài liệu được công khai liên quan đến việc chuyển nhượng cầu thủ thuộc sở hữu của các công ty như tập đoàn Doyen. Doyen đã bơm 5,3 triệu euro vào đội bóng Hà Lan, Twente Enschede để được sở hữu quyền lợi kinh tế từ 5 cầu thủ, trong đó có Dusan Tadic. Tuyển thủ người Serbia chuyển sang Southampton với giá 13,6 triệu euro và đội bóng Hà Lan đã phải nhận án phạt 3 năm vì cho phép quyền sở hữu của bên thứ ba.
Việc công bố về bản hợp đồng của Bale đã vấp phải sự đáp trả quyết liệt từ người đại diện của tiền vệ người xứ Wales, Jonathan Barnett. Ông nói: "Nên có một cuộc điều tra độc lập bởi nó quá xúc phạm chúng tôi. Chúng tôi cần một lời xin lỗi từ Liên đoàn bóng đá Anh (FA). Việc làm này hoàn toàn không tôn trọng cả các CLB lẫn cầu thủ".
Thực tế cho thấy có rất nhiều hồ sơ không liên quan đến các đội bóng Anh và dĩ nhiên sự rò rỉ bí mật không hoàn toàn xuất phát từ FA.
Giám đốc điều hành hệ thống chuyển nhượng của FIFA, Mark Goddard, ngược lại, tỏ ra đồng tình và ủng hộ Football Leaks về những thông tin mà tổ chức này cung cấp.
"Football Leaks hiển nhiên là những kẻ xỏ lá khi phơi bày những bí mật chuyển nhượng nhưng với chúng tôi, những thông tin này vô cùng hữu ích và quan trọng", Goddard cho biết.
Liverpool tuyên bố giá của Ilori là 7 triệu, nhưng thực tế tối đa chỉ là hơn 5 triệu
Về phía Football Leaks, họ cũng hứa rằng đây mới chỉ là khởi đầu của một serie vạch trần những bí mật chuyển nhượng. Tổ chức này sẵn sàng công khai tất cả không chỉ trên phạm vi hẹp mà là toàn thế giới.
Chỉ vài giờ đồng hồ sau khi chi tiết của thương vụ mua bán Bale được công khai, một quan chức FIFA đưa ra thông tin các đội bóng Anh đã vung tiền nhiều hơn 30% tổng số kinh phí chuyển nhượng của thế giới vào năm 2015, cụ thể là 915 triệu trên tổng số 2,94 tỉ bảng.
Thậm chí, theo Goddard, do những vụ chuyển nhượng trong nước không được FIFA giám sát nên tổng thị trường chuyển nhượng của Anh có thể trị giá lên tới gần 2 tỉ bảng (tương đương 2,6 tỉ euro).
Với việc Real và Atletico Madrid phải đối mặt với án phạt cấm chuyển nhượng tương tự như Barca, Goddard sẽ đẩy mạnh kiểm tra tính minh bạch của các đội bóng khác trên toàn thế giới về việc mua sắm của họ trên thị trường chuyển nhượng.