BẢN SẮC VÀ ĐỊNH DẠNG VĂN HÓA
Nhắc tới Brazil, có thể không nhắc đến mọi thứ ngoại trừ Samba bởi Samba là biểu tượng của đất nước và văn hóa Brazil , được cả thế giới nhận diện. Khi nói đến xứ sở Samba, người ta hiểu ngay đó là đất nước Brazil chứ chẳng phải nơi nào khác. Samba chính là giá trị mang tính quốc hồn, quốc túy của Brazil.
Người Brazil nhảy Samba ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, với bất cứ cung bậc cảm xúc nào. Tại những bang được coi là “thủ đô Samba” như Bahia, Maranhao, Sao Paulo hay Rio de Janeiro… Samba được trình diễn trên đường phố, trong những khu ổ chuột, tại những địa điểm công cộng như bãi biển, nhà thờ, giảng đường... và đặc biệt là tại lễ hội Carnival.
Chúng ta cũng chẳng lạ khi thấy các cầu thủ Brazil nhảy Samba trên sân cỏ, còn các CĐV trình diễn Samba trên khán đài sân bóng mỗi khi ăn mừng bàn thắng. Samba là ngôn ngữ hình thể của người Brazil, là cách họ phô bày bản sắc với thế giới bên ngoài, đồng thời là kênh giao tiếp với những nền văn hóa khác.
Samba là tấm gương phản ánh trung thực nhất bản chất của đất nước Brazil, một lịch sử, một nền văn hóa được hình thành bởi việc pha trộn những luồng ảnh hưởng văn hóa rất khác biệt nhau đến từ người nô lệ châu Phi, bản sắc thổ dân Nam Mỹ, văn hóa thực dân Bồ Đào Nha và những luồng di dân từ châu Âu, châu Á sau này.
Vũ điệu bập bùng trong âm thanh của trống và tiếng vỗ tay, Samba hội nhập và phát triển rực rỡ với muôn vàn âm sắc tưng bừng của đàn guitar, kèn clarinet và sáo flute, kết hợp với cả nhiều yếu tố jazz, disco, rock để tạo nên những dòng Samba khác nhau. Sự đa chủng tộc, đa văn hóa hòa trộn trong tổng thể Brazil cũng giống hệt Samba. Đa dạng nhưng chỉ là một
Samba khởi thủy từ thế kỷ 16, khi Bồ Đào Nha tìm ra và biến Brazil thành thuộc địa. Để có nguồn nhân lực cho những đồn điền mía đường, cao su... BĐN đã đem rất nhiều nô lệ từ Angola và Congo tới Brazil. Cùng với thân phận buồn đau, những người nô lệ còn đem đến đất mới những vũ điệu châu Phi như Catarete, Embolada và Batuque.
Tại bang Bahia, nơi tập trung nhiều nô lệ, giới chủ khi đó đã coi đây là những vũ điệu “bẩn thỉu” vì vũ công tiếp xúc với nhau ở vùng bụng (rốn).
Tuy nhiên, cùng với thời gian, những vũ điệu nô lệ đó đã kết hợp với điệu nhảy Maxixe và Lundu truyền thống của Brazil để làm nên vũ điệu Samba de Roda nổi tiếng, nhưng vẫn giữ bản sắc của điệu Batuque là nhảy theo hình tròn. Được tạo ra bởi người nô lệ, chứa đầy khát vọng tự do, vượt qua sự nghiệt ngã, chứa chất đầy mơ ước, điệu Samba de Roda đã trở thành biểu tượng bản sắc của người Brazil, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2005.
Vũ điệu này cũng chính là cội nguồn của điệu Samba Carioca lừng danh hiện nay ở bang Rio de Janeiro, được phát triển rực rỡ suốt thế kỷ 20 và được trình diễn chính tại lễ hội Carnival. Samba chính là sản phẩm tiêu biểu của sự phối trộn văn hóa, đan xen quá khứ và hiện tại, phản ánh tình hình chính trị của Brazil.
TINH THẦN HÀI HƯỚC VÀ LẠC QUAN
Khi chiêm ngưỡng các vũ công Samba trình diễn, nhiều người cho rằng cách ăn mặc hở hang và những động tác nhảy lắc hông uốn éo của vũ công mang đầy tính gợi dục. Nhưng đấy lại là phong cách sống của người dân Brazil. Họ nhảy Samba như một cách thức để khoe những đường cong cơ thể và tôn vinh nét đẹp hình thể, ngầm chỉ trích những “lớp vỏ bao bọc đầy giả dối” của người đời. Vũ đạo của Samba mang nhiều tính tự phát, dựa trên sự di chuyển tự nhiên của cơ thể, bàn chân, chân và hông. Chỉ cần lắc hông sao cho uyển chuyển là vũ công sẽ thể hiện được tinh thần Samba đầy cuồng nhiệt, ngẫu hứng và quyến rũ. Những động tác chạm bụng của các nữ vũ công như nét hài hước chế giễu lại những định kiến “nhơ bẩn” trong quá khứ.
Từ điệu nhảy của thân phận nô lệ, Samba giờ trở thành vũ điệu của hội hè, tiệc tùng. Vẫn là những vòng tròn vũ công vây quay một nữ hoàng Samba, diễu hành khắp Rio de Janeiro trong dịp Carnival. Đó là sự tái hiện hình thức nhảy múa quanh làng để cầu khước trừ tà ở châu Phi.
Đó chính là tinh thần lạc quan của người Brazil, khi biến vũ điệu nô lệ, hình thành chủ yếu trong các khu ổ chuột rách rưới thành một thứ đặc sản chính của lễ hội hóa trang muôn hồng nghìn tía. Ranh giới giàu nghèo giữa các tầng lớp xã hội đã bị những cú lắc hông Samba nung chảy. Trong một vòng tròn Samba, người quyền quý cũng bình đẳng như kẻ nghèo khó.
Xem Samba mới thấy vòng 3 (hông và mông) quan trọng với người Brazil thế nào. Sự ngẫu hứng trong những pha xử lý bóng của cầu thủ cũng nhờ cái hông dẻo quẹo. Và cũng chỉ có người Brazil mới tôn vinh những mỹ nhân có mông to nhất, hấp dẫn nhất như cuộc thi hoa hậu Bumbum. Đấy chính là những ảnh hưởng sâu sắc từ Samba - vũ điệu được Brazil tôn vinh bằng ngày “Quốc lễ” 2/12 hàng năm.
Cái tên Samba được cho là xuất phát từ một từ nguyên trong tiếng Angola là “Semba” có nghĩa là “lời mời nhảy”. Tại các đêm vũ hội do nô lệ tổ chức, khi vũ công muốn mời ai đó “gia nhập vòng tròn”, người đó sẽ nói Semba và chạm bụng vào người được mời.
Sau vài trăm năm phát triển, Samba đã phân chia thành nhiều thể loại khác nhau, chủ yếu theo 2 hướng: giai điệu và kiểu nhảy. Theo hướng giai điệu có Samba Enredo; Samba de Breque; Samba Cancao; Samba Reggae; Samba Bolero; Samba Nova. Theo hướng kiểu nhảy có Samba no Pe; Samba de Gafieira; Pagode; Samba de Roda; Samba Rock.