Trận bán kết Champions League đầu tiên sau 40 năm, vị trí đầu bảng để hướng đến danh hiệu La Liga đầu tiên sau gần 20 năm, mùa bóng của Atletico đang diễn ra đẹp như một giấc mơ mà mọi CĐV Atletico muốn nó kéo dài mãi bởi vì thực tế chính là một cơn ác mộng.
Khi lễ bốc thăm bán kết còn chưa diễn ra, Chủ tịch Enrique Cerezo đã nói ngay: Atletico sẽ không trả 3 triệu euro để Courtois góp mặt trong trận đấu với CLB chủ quản của anh là Chelsea. Lý do đơn giản vô cùng: Atletico không có tiền để trả.
Mặc dù Atletico đang xếp trên cả Real và Barca trên BXH Liga , nhưng trên BXH về doanh thu, Atletico chỉ xứng đáng đấu ở giải hạng hai. So với thu nhập hàng năm trên nửa tỷ euro của 2 gã khổng lồ này, Atletico chỉ kiếm được khoảng 120 triệu euro. Hết 90% tổng doanh thu ấy chỉ để dùng cho việc trả lương cho cầu thủ và ban huấn luyện.
Việc Atletico phải dùng một thủ môn theo dạng cho mượn suốt 3 mùa bóng là ví dụ tiêu biểu cho thấy những khó khăn về tài chính mà họ (cũng giống như tất cả các CLB khác tại Liga) đang phải đối mặt. Altetico từng mua Radamel Falcao với giá 40 triệu euro, nhưng là thông qua một công ty đầu tư và sau đó phải bán ngay để kiếm tiền, như đã bán đi những ngôi sao tốt nhất như Fernando Torres, Sergio Aguero hay David de Gea.
Atletico đang nợ hơn nửa tỷ euro và lý do duy nhất khiến họ vẫn còn tồn tại mà chưa tuyên bố phá sản chính là thành tích thi đấu tuyệt vời dưới bàn tay của người hùng Diego Simeone thành tích thi đấu tuyệt vời dưới bàn tay của người hùng Diego Simeone thời gian qua và sự cảm thông hết cỡ từ Chính phủ, cho phép họ trả chậm món tiền thuế lên đến hơn 100 triệu euro.
Atletico không tìm thấy đường ra cho những con số âm ấy bởi họ không kiếm được nguồn thu từ quảng cáo. Bản hợp đồng lạ kỳ bậc nhất lịch sử quảng cáo trên áo đấu với đất nước Azerbaijan để quảng bá cho du lịch nước này chỉ có trị giá 12 triệu euro và kéo dài có 18 tháng. Azerbaijan, cùng với một bản hợp đồng khác với Nike đang giúp Atletico sống thoi thóp dưới ánh mắt của những con sói mang tên thực tại đang nhe nanh trước cửa sân Vicente Calderon. Giám đốc Josep Maria Gay của trường đại học Barcelona chuyên nghiên cứu về tình hình tài chính của bóng đá Tây Ban Nha đã gọi tình trạng của Atletico là bi kịch!
Atletico càng chơi hay, khoảng thời gian thoi thóp ấy càng được kéo dài, nhưng đó là một sự an toàn tạm bợ của một người đang đứng trên bờ vực mà sau lưng lại là vách núi, không biết bao giờ sẽ rơi xuống. Đấy chính là con đường diệt vong mà những CLB từng thành công tại châu Âu như Valencia, Villarreal, Deportivo và Sevilla đã đi qua.
Trong niềm hân hoan vô bờ của chiến thắng trước Barca, người giữ mục La Liga Loca của tờ Four Four Two đã viết: “Kịch bản đẹp nhất là Atletico hạ Real trong trận chung kết rồi tuyên bố giải thể, để các CĐV của họ đầu quân làm CĐV của Vallecano, để giữ mãi vẻ đẹp mang tên Atletico”.
Chua chát làm sao, buồn làm sao!