Mourinho, như ông tự nhận và thế giới đã biết, là người không bao giờ bỏ sót bất kỳ một chi tiết nào. Đương nhiên, ông hiểu hiệu quả của những tình huống cố định là lớn đến đâu. Và một khi đã tìm ra cách biến bóng chết thành đường sống cho đội bóng của mình, Mourinho tất nhiên không thể không tìm ra cách ngăn đối phương biến chúng thành vũ khí chống lại đội bóng của ông.
Nhưng hoặc là những bài tập của Mourinho không còn hiệu quả, hoặc thế giới đã thay đổi quá nhiều giữa hai lần ông dẫn dắt Chelsea. Trong lần tái ngộ The Blues, Chelsea đã không còn là một chuyên gia bóng chết đích thực nữa. Không là đích thực, bởi Chelsea chỉ có thể thỏa mãn một trong hai yêu cầu. Họ vẫn ghi được nhiều bàn thắng từ bóng chết. Nhưng họ cũng để thua quá nhiều bàn thua quan trọng từ bóng chết.
VIDEO: Chelsea 1-1 PSG (Hiệp phụ: 2-2) (Chung cuộc: 3-3) |
---|
NỘI DUNG SẼ XUẤT HIỆN TẠI ĐÂY Độ cao sẽ thay đổi tùy theo nội dung đã xuất bản |
Khi phòng ngự bóng chết, thường các HLV vẫn hay kết hợp 2 kiểu phòng ngự: Phòng ngự khu vực, và một kèm một. Thường sẽ có 3 hoặc 4 cầu thủ đánh đầu tốt nhất của đội được phân kèm 3 hoặc 4 cầu thủ đánh đầu tốt nhất của đối phương (một kèm một), và những người còn lại có trách nhiệm quản lý phần không gian được phân phó (khu vực). Việc phân phó này thường diễn ra ngay sau tình huống cố định đầu tiên, nên rất khó có chuyện các cầu thủ phòng ngự không biết theo kèm ai.
Do đó, thật ngạc nhiên khi thấy David Luiz và Thiago Silva, những người chơi đầu tốt nhất của PSG, được thoải mái đến thế trong vòng cấm của Chelsea ở những tình huống PSG đá phạt góc. Giữa hai bàn thắng của Luiz và Silva, PSG còn một lần nữa có cơ hội rõ ràng từ chấm phạt góc, khi Silva thoải mái bật nhảy và lắc đầu khiến Courtois phải trổ hết tài năng để cản phá. Đó cũng có thể xem là tín hiệu báo động cho Chelsea; tiếc là họ không thể rút được bài học, và ít phút sau, gục ngã bởi một cú đánh đầu khác của Silva.
“Chết” vì chính sở trường của mình, có lẽ, là cái chết đau đớn nhất...