Tất nhiên là không ai đặt Di Matteo chung chiếu với Ancelotti hay Mourinho. Nhưng kể ra sự so sánh ấy để thấy Di Matteo là một HLV rất đặc biệt. Ông dường như không tạo ra một dấu ấn chiến thuật nào, nhưng rốt cục lại có dấu ấn rất đặc biệt là giúp Chelsea giành chức vô địch Champions League đầu tiên trong lịch sử, biến giấc mơ và nỗi ám ảnh của ông chủ Roman Abramovich trở thành hiện thực.
Ngay tại nước Đức, sau vài trận đấu ấn tượng, giới chuyên môn đang đặt dấu hỏi dành cho Di Matteo. Nhìn Schalke đá, người ta chẳng nhìn ra bài bản gì cả. Cứ như là cả đội lùi cả về thủ, để một mình Klaas-Jan Huntelaar ở trên vậy.
Đấy là cách mà Di Matteo đã mang Chelsea đến chức vô địch Champions League cách đây vài năm. Ông dựng chiếc xe bus 2 tầng trước khung thành Petr Cech, vừa đá vừa... cầu nguyện và chỉ để một mình Didier Drogba ở trên. Trong cách chơi không thể chân phương hơn ấy, đột nhiên mọi thứ đều diễn ra có lợi cho Di Matteo. John Terry, Frank Lampard, Ashley Cole và đặc biệt Didier Drogba đều cùng lúc chơi thứ bóng đá đẹp nhất trong đời cầu thủ.
Người Đức đã đặt cho Di Matteo biệt danh “Roberto di Catenaccio”. Đấy là một cách gọi có phần hạ thấp... Catenaccio, một di sản của bóng đá Italia. Năm 2006, khi giành Quả bóng vàng thế giới và cả danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất của FIFA, Fabio Cannavaro đã khẳng định như đinh đóng cột là Catenaccio đã tuyệt chủng rồi. Ngay cả những đội bóng Italia và chính đội tuyển xứ mỳ ống cũng không còn chơi Catenaccio nữa. Cách Schalke và Chelsea phòng ngự tất nhiên không phải là Catenaccio mà là dựng xe bus, là lấy số đông quân số hàng thủ để chiếm tiện nghi trong tranh chấp.
Ấy vậy mà thứ chiến thuật vụng về chân phương ấy lại đưa Chelsea đến đỉnh cao. Thế mới đau cho Mourinho, người toan tính đến bạc cả tóc cũng chỉ đưa Chelsea tối đa là vào đến bán kết. Vì thế trước khi Chelsea kéo quân đến Gelsenkirchen, báo chí mới dàn dựng là cái gọi là “cuộc chiến giữa Mourinho và Di Matteo”. Mourinho chủ động tránh xa chủ đề ấy khi bảo: “Nếu là đấu tay tôi thì tôi thua vì Di Matteo đá bóng hay hơn tôi”. Mourinho không muốn mình bị dây vào một cuộc “so tài” với Di Matteo. Thắng thì chẳng vinh quang gì, thua thì thập phần xấu hổ.
Nhưng nhớ lại Di Matteo và chức vô địch may ơi là may ngày trước, chợt nghĩ đến một định mệnh kỳ lạ của Chelsea và Tottenham. Hai đội bóng thành London dường như chỉ thăng hoa với những HLV tạm quyền. Thật vậy, số phận của Tottenham suốt một thập kỷ qua là một vòng lặp. Thuê HLV giỏi và mua nhiều cầu thủ - thất bại và HLV bị sa thải - HLV tạm quyền lên thay giúp CLB giành suất dự Champions League - Bán cầu thủ giỏi nhất trong mùa Hè - Thuê HLV giỏi và mua nhiều cầu thủ - Lặp lại như cũ.
Chelsea cũng có một vòng lặp như thế, nhưng là tại Champions League. Họ sẽ khởi đầu một HLV cực kỳ tài năng, nhưng giữa chừng bị sa thải rồi người lên thay sẽ mang đội bóng tiến xa tại Champions League. Trước khi Di Matteo làm nên kỳ tích, Chelsea đã lần đầu tiên vào chung kết Champions League (2008) với một HLV tạm quyền là Avram Grant. Guus Hiddink - một HLV tạm quyền khác - cũng chỉ lỡ hẹn với chung kết bởi những sai lầm tồi tệ của trọng tài. Đấy là điều mà Luiz Felipe Scolari, Villas-Boas và chính Mourinho đều không thể làm được.
Phải chăng những đội bóng London chỉ tìm được hạnh phúc với những “mối tình ngắn hạn”, Tottenham ở Premier League và Chelsea ở Champions League?