1) Do người Pháp thành lập
Cũng giống như chính FIFA (được thành lập năm 1904) và World Cup (được manh nha tổ chức từ năm 1928), Quả bóng vàng là một sáng kiến của người Pháp. Ban đầu, tạp chí France Fooball chỉ dành phần thưởng này cho cầu thủ giỏi nhất ở châu Âu. QBV đầu tiên được trao cho cầu thủ người Anh là Sir Stanley Matthews vào năm 1956.
2) Mở rộng quy mô
Thuở sơ khai, QBV chỉ dành cho cầu thủ châu Âu xuất sắc nhất chơi cho một CLB ở lục địa già. Luật lệ đã có sự thay đổi vào năm 1995, khi giải được trao cho tất cả cầu thủ từ khắp nơi trên thế giới chơi bóng ở châu Âu. Năm 2007, QBV mở rộng quy mô ra khắp toàn cầu. Ba năm sau, QBV được hợp nhất với giải "Cầu thủ xuất sắc nhất FIFA" và mọi thứ vẫn đang được duy trì cho tới ngày nay. Dẫu vậy, tất cả đã quá muộn với Pele, Garrincha, Diego Maradona, Zico hay Teofilo Cubillas, những huyền thoại Nam Mỹ không bao giờ có cơ hội được sở hữu QBV.
3) Bù đắp cho thời gian đã mất
Do những hạn chế luật lệ ban đầu, mãi tới năm 1994, ngôi sao người Brazil Romario mới trở thành cầu thủ đầu tiên bên ngoài châu Âu nhận giải Cầu thủ xuất sắc nhất năm của FIFA (đây là giải thưởng ra đời năm 1991 và được hợp nhất với danh hiệu QBV 2010). Đồng hương của Romario, Ronaldo, trở thành người đầu tiên từ Nam Mỹ nhận QBV năm 1997. Tuy nhiên, xét một cách không chính thức thì trước đó đã có 2 người Argentina là Alfredo Di Stefano (các năm 1957 và 1959) và Omar Sivoli (1961) có vinh dự được nhận QBV. Bộ đôi này được nhìn nhận với tư cách là người Italia do họ có 2 quốc tịch. Nam Mỹ tiếp tục được bù đắp trong những năm tiếp theo, riêng một mình cầu thủ người Argentina Lionel Messi đã giành tới 4 QBV liên tiếp.
4) Kỳ vọng với châu Phi
Từ trước tới nay, giải thưởng QBV chủ yếu chỉ được trao cho các cầu thủ châu Âu và Nam Mỹ trong nhiều năm. Chỉ có một ngoại lệ duy nhất là Goerge Weah vào năm 1995. Tiền đạo người Liberia giành cả 2 giải Quả bóng vàng và Cầu thủ xuất sắc nhất của FIFA năm đó. Tới giờ, ông vẫn là người châu Phi đầu tiên và duy nhất làm được như thế.
5) Người lớn tuổi nhất
Người giành Quả bóng vàng đầu tiên là huyền thoại bóng đá Anh Sir Stanley Matthews, một cầu thủ với tài năng đáng kinh ngạc, và càng đáng kinh ngạc hơn là số danh hiệu ít ỏi mà ông có được, chỉ một Cúp FA với Blackpool năm 1953. Bù lại, tiền vệ phải này có sự nghiệp chơi bóng chuyên nghiệp rất dài lâu, tới tận năm 50 tuổi và giành Quả bóng vàng khi đã 41.
6) Trẻ nhất
Ngược lại, cầu thủ trẻ nhất giành Quả bóng và là Ronaldo của Brazil, năm anh 21 tuổi, 1997. Michael Owen người Anh lớn hơn Ronaldo khi đó vài tháng khi anh giành Quả bóng vàng năm 2001. Với Lionel Messi, anh là người trẻ nhất từng đứng trên bục trao giải, với Quả bóng đồng năm 2007 ở tuổi 20 (bằng với Ronaldo năm 1996, cũng được trao Quả bóng đồng). La Pulga trở thành người trẻ nhất giành 2 Quả bóng vàng ở tuổi 23 năm 2010, người trẻ nhất giành 3 Quả bóng vàng ở tuổi 24 năm 2011, rồi người trẻ nhất lẫn già nhất và duy nhất giành 4 Quả bóng vàng ở tuổi 25 năm 2012.
7) Hat-trick
Trước khi Messi có cú poker Quả bóng Vàng năm 2012, 3 cầu thủ khác đã lập hat-trick, bao gồm huyền thoại Hà Lan Johan Cruyff vào các năm 1971, 1973 và 1974. Sau ông là Michel Platini của Pháp các năm 1983, 1984 và 1985. Đồng hương của Cruyff, Marco van Basten, giành Quả bóng vàng các năm 1988, 1989 và 1992. 5 cầu thủ đã giành bóng vàng 2 lần: Alfredo Di Stefano (1957, 1959), Franz Beckenbauer (1972, 1976), Kevin Keegan (1978, 1979), Karl-Heinz Rummenigge (1980, 1981) và Ronaldo (1997, 2002).
8) Các cầu thủ tấn công thống trị
Trong 57 Quả bóng vàng đã được trao, 52 giải là dành cho các tiền đạo hay tiền vệ công. Chỉ có 4 giải cho các hậu vệ: Beckenbauer 2 lần, Matthias Sammer năm 1996 và Fabio Cannavaro năm 2006. Lothar Matthaus có thể đã kết thúc sự nghiệp ở vị trí trung vệ, nhưng trước đó ông gần với một tiền vệ trụ hơn khi nhận giải năm 1980. Với các thủ môn, chỉ duy nhất 1 người có vinh dự nhận Quả bóng vàng: “Nhện đen” Lev Yashin của Liên Xô năm 1963. Bộ đôi thủ thành Ý Dino Zoff và Gianluigi Buffon chỉ về nhì các năm 1973 và 2006.
9) Sự thừa nhận toàn cầu
Giải thưởng ban đầu giới hạn trong các cầu thủ châu Âu chơi ở châu Âu, không ngạc nhiên khi các cầu thủ từ lục địa già chiếm đa số áp đảo trong danh sách những người nhận giải. Các nước có nhiều đại diện nhận giải nhất là Hà Lan và Đức, cùng 7 lần, cho 3 người Hà Lan (Cruyff, Van Basten, Ruud Gullit) và 5 người Đức (Gerd Mueller, Beckenbauer, Rummenigge, Matthaus, Sammer). Tiếp theo là Pháp với 6 lần (riêng Platini là 3 lần), trong khi Italia, Brazil và Anh mỗi nước có 5 lần chiến thắng. Một mình Messi đại diện cho Argentina 4 lần. Liên Xô, BĐN và TBN đều đã có 3 giải, Tiệp Khắc 2. Các nước Ukraine, Liberia, Bắc Ireland, Hungary, Scotland, Đan Mạch và Bulgaria mỗi nước 1 giải.
10) Đại diện từ các CLB
Kể từ khi Quả bóng vàng được trao, một số CLB có đại diện ưu thế ở hạng mục giải thưởng cá nhân này. Barcelona, nhờ giai đoạn thống trị kéo dài vừa qua, có tới 10 đại diện từng nhận giải. Xếp sau họ là Juventus và AC Milan (8), Real Madrid (6), Bayern Munich (5), Manchester United (4), và Inter Milan, Dynamo Kiev và Hamburg (2). Mở rộng ra cả các danh hiệu bóng bạc và bóng đồng, Barcelona vẫn thứ nhất, với 27 đại diện, tiếp theo là Madrid (21), Milan (17), Juventus (16) và Inter (11).
11) Các giải hàng đầu
Thống kê theo giải đấu, Serie A và La Liga dẫn đầu. Giải vô địch Italia từng 18 lần giành Quả bóng vàng với 48 lần có người đứng trên bục trao giải. Còn với TBN là 16 danh hiệu Quả bóng vàng và 49 lần có người trên bục trao giải. Người giành giải năm 1991, Jean-Pierre Papin, tới nay là cầu thủ duy nhất giành giải chơi bóng ở Pháp. Florian Albert là người duy nhất giành giải khi chơi bóng ở Hungary năm 1967 và Josef Masopust ở Tiệp Khắc năm 1962. Cruyff cũng đại diện cho giải duy nhất của Hà Lan năm 1971, 2 giải còn lại là khi ông đã chuyển sang Barcelona.
12) Chia sẻ vinh quang
Trong thời gian mà giải Quả bóng vàng song hành với giải Cầu thủ xuất sắc nhất của FIFA, không phải lúc nào hai giải thưởng này cũng thống nhất về người giỏi nhất. Đó là trường hợp các năm 1991, khi Matthaus được FIFA vinh danh, còn Papin nhận Quả bóng vàng; năm 1994, Romaria và Hristo Stoichkov; Ronaldo và Sammer năm 1996; Zidane và Luis Figo năm 2000; Owen và Figo năm 2001, Zidane và Pavel Nedved năm 2003; và Ronaldinho và Andriy Shevchenko năm 2004. Hai giải thưởng thống nhất về người giỏi nhất là Ronaldinho (năm 2005), Cannavaro (2006), Kaka (2007), Cristiano Ronaldo (2008) và Messi (2009).
13) 11 nhà vô địch World Cup
Trong 43 cầu thủ giành bóng vàng, chỉ 11 người từng vô địch World Cup: Bobby Charlton (1966), Gerd Mueller (1974), Franz Beckenbauer (1974), Paolo Rossi (1982), Lothar Matthaus (1990), Zinedine Zidane (1998), Rivaldo (2002), Ronaldo (1994, 2002), Ronaldinho (2002), Fabio Cannavaro (2006) và Kaka (2002). Điều đó giải thích tại sao Messi đã tuyên bố nếu được lựa chọn giữa việc giành chức vô địch World Cup với Argentina và Quả bóng vàng lần thứ 5 liên tiếp, anh sẽ lựa chọn World Cup “không chút lưỡng lự”. Tuy nhiên, nếu Argentina giành World Cup, thì cũng khá chắc chắn là Messi sẽ giành bóng vàng.