Câu hỏi đặt ra là sau chuyến phiêu lưu tại Việt Nam, Denilson thu được gì? Tiền! Tất nhiên là thế rồi. Tiền đã được chuyển trước khi cầu thủ này đến Việt Nam? Nhưng đằng sau mục đích kiếm tiền, bên cạnh những toan tính thiệt hơn là một giấc mơ tìm lại hạnh phúc. Bởi như Denilson từng tiết lộ, anh có nhiều tiền, nhưng vẫn khát khao được thi đấu, được khẳng định giá trị trên sân cỏ.
Tôi tin, đã là cầu thủ hẳn ai cũng muốn được thi đấu, muốn trở thành ngôi sao sáng nhất trên sân cỏ. Có lẽ vì thế mà những ngày qua, các cầu thủ vốn đang ở đỉnh cao phong độ, hay ở tuổi xế chiều của sự nghiệp đều chạy đôn chạy đáo tìm bến đỗ. Và để có được chốn dung thân, họ chấp nhận “hạ giá”, thậm chí chấp nhận mức lót tay chỉ mang tính tượng trưng…
Một đội bóng ban đầu có thể hài lòng vì mua được cầu thủ giá rẻ. Nhưng cái giá như cho ấy không đem đến ích lợi về chuyên môn thì người ta cũng chẳng thiết tha. Thế mới có chuyện, đến thời điểm này, nhiều cầu thủ dù được đánh giá là có chuyên môn khá nhưng chưa có được hợp đồng vì các đội bóng sợ đưa mình vào những thương vụ đầy rủi ro.
Ở tầm vĩ mô, các đội bóng đang tiến gần đến cái gọi là “giá trị thực” trong mọi hoạt động. Còn với các cầu thủ, hơn lúc nào hết, họ phải vận động, phải hòa mình với xu thế chung. Nhưng tôi cho rằng, sự thức thời ở đây không chỉ là chấp nhận “đại hạ giá” trong các cuộc bán mua trên thị trường chuyển nhượng mà phải là sự thay đổi căn bản về nhận thức. Hay nói cách khác, những biến động ngày hôm nay chính là cơ hội để các cầu thủ nhận ra đâu là giá trị thật của bản thân để tránh rơi vào ảo tưởng.