HỐT BẠC TỪ THỜI THI ĐẤU
Ngay cả thời sung sức nhất, Uli Hoeness cũng không được điển trai như David Beckham hay ghi bàn bùng nổ như Cristiano Ronaldo hoặc Lionel Messi. Song ở vào cái thời mà các triệu phú đá bóng không nhiều như lá mùa xuân giống bây giờ, cựu tiền đạo của Bayern này đã sớm nhanh nhạy trong chuyện “in tiền”. Hoeness có khả năng “hút tiền” hơn hẳn các đồng nghiệp cùng thời của ông.
Sinh ra trong gia đình… hàng thịt, có lẽ máu kiếm tiền đã hình thành tự nhiên trong người Hoeness từ lúc nào. Theo tiết lộ mới nhất trên tờ Bild, hồi thập niên 60 của thế kỷ trước, ông đã sớm biết rủ em trai của mình là Dieter Hoeness đi tìm và bán đá quý rồi.
Nghĩa là hồi mới hơn 10 tuổi, huyền thoại 62 tuổi này đã biết làm ra tiền và coi chuyện kiếm tiền thực sự là một niềm đam mê cháy bỏng.
Đến khi khoác áo Bayern vào thập niên 70 của thế kỷ trước, Hoeness nhanh nhạy rủ đồng đội Paul Breitner đi quảng cáo đồ lót cho thương hiệu thời trang Urban Outfitters. Thời đó, chuyện này vẫn còn quá mới mẻ ở hậu trường Bundesliga.
Năm 1973, Hoeness thậm chí “làm tiền” cả với đám cưới của mình. Bây giờ chuyện các ngôi sao sân cỏ bán ảnh cưới độc quyền là chuyện thường. Nhưng ở thời Hoeness, việc bán ảnh cưới độc quyền cho một tạp chí với giá 25.000 mark là điều ít ngôi sao sân cỏ nghĩ tới.
Dịp World Cup 1974, Hoeness còn góp tay biên tập một cuốn sách bóng đá, biến ấn phẩm này thành hàng “bestseller”. Chứng kiến Hoeness hốt bạc “sốt xình xịch” dạo ấy, “đàn anh” Franz Beckenbauer phải nhắc nhở: “Cẩn thận đấy, đừng có quá mải mê kiếm tiền mà dễ bị ảnh hưởng tới phong độ thi đấu trên sân!”.
ÔNG TRÙM QUẢN LÝ
Beckenbauer nhắc nhở thế thì Hoeness lưu tâm thi đấu tích cực hơn chứ ông không chịu giảm niềm đam mê kiếm tiền. Ngay cả khi lâm vào tình cảnh khó khăn nhất, chính niềm đam mê này đã giúp ông đứng lên.
Năm 1979, Hoeness phải sớm treo giày ở tuổi 27 vì chấn thương đầu gối. Ông mạnh dạn xin chủ tịch của Bayern ngày ấy là Wilhelm Neudecker cho mình đảm nhiệm chức giám đốc thương mại của Hùm xám. Neudecker bảo “OK” miễn là ông có thể mang về các nhà tài trợ cho Bayern. Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này khi còn đang là vị giám đốc thương mại trẻ nhất trong lịch sử Bundesliga.
Hoeness kiếm ngay được hợp đồng tài trợ trị giá 1,8 triệu mark từ hãng chế tạo xe Magirus Deutz. Ông được hưởng hoa hồng 180.000 mark từ thương vụ này.
Thương vụ với Magirus Deutz chỉ là một ví dụ cụ thể cho tài kiếm tiền của Hoeness. Ông giỏi hút tiền về cho cả Bayern lẫn cá nhân mình. Từ chỗ nặng gánh nợ nần, dưới sự quản lý tài tình của Hoeness, Bayern dần trả sạch nợ trước khi vươn lên thành CLB siêu giàu mạnh. Còn bản thân Hoeness thì ngày càng giàu có và nổi tiếng. Thế người ta mới ví Hoeness có “bàn tay Midas”.
Song niềm đam mê kiếm tiền có phần thái quá lại khiến Hoeness phải trả giá. Hoeness bị phát hiện trốn thuế khi ông sử dụng tài khoản bí mật ở Thụy Sỹ để chơi chứng khoán. Ông vùa bị kết án tù 3 năm rưỡi.
Nhiều fan tin rằng kể cả Hoeness có vào tù, “bàn tay Midas” của ông cũng sẽ không chết…
Mỗi ngày bán 50 tấn xúc xích
Năm 1985, Hoeness cùng ông bạn thân Werner Weiss thành lập công ty xúc xích có tên HoWe (ghép tên tắt của hai người). Thấy bảo đến nay mỗi ngày HoWe bán được 50 tấn xúc xích.