Hoeness đã chọn đúng chiến lược?
“Ở vào thế của Hoeness , việc ông ấy tự thú và hợp tác tích cực với cơ quan điều tra là đúng đắn. Hoeness không có lựa chọn khác bởi vậy khó có thể xem đó là sự tính toán của ông ấy. Nhưng, một điều không nằm ngoài tính toán của Hoeness là những nhân chứng đang chống lại ông. Khoản tiền 27,2 triệu euro trốn thuế rõ ràng là quá lớn. Cũng chính vì thế, một bản án tù dành cho Uli Hoeness là hoàn toàn có khả năng”, tiến sĩ luật Karsten Randt phân tích.
Hoeness phải chi bao nhiêu tiền?
Ngay khi còn là ngôi sao của Bayern những năm 1970, Uli Hoeness đã là một trong những cầu thủ có mức thu nhập cao nhất tại Bundesliga. Sau khi giải nghệ ở tuổi 27, ông kiếm sống bằng công việc GĐĐH tại Bayern và mở một nhà máy sản xuất xúc xích ở Nuernberg. Từ tháng 11/2009, Hoeness được bầu làm chủ tịch Bayern.
Thu nhập hàng năm của Hoeness trong thời gian từ 2002-2008 được xác định cụ thể là 62,71 triệu euro. Sau khi ra đầu thú, Hoeness đã nộp trước cho cơ quan thuế 10 triệu euro. Ngoài ra, ông cũng phải đóng 5 triệu euro để được tại ngoại sau khi có lệnh bắt giữ để điều tra. Với khoản tiền trốn thuế được tính đến hết ngày thứ hai của phiên tòa là 27,2 triệu euro, Hoeness sẽ phải bổ sung cho các cơ quan thuế thêm 17,2 triệu euro. Chưa kể các khoản phí thuê luật sư trong vụ kiện tụng... Như vậy, Hoeness không chỉ phải đối mặt nguy cơ tù tội mà còn mất một khoản tiền lớn.
Tại sao từ 3,5 lên thành 27,2 triệu euro?
Ban đầu, các công tố viên đã cáo buộc Hoeness trốn 3,5 triệu euro tiền thuế. Nhưng sau 2 phiên điều trần, số tiền Hoeness trốn thuế đã được xác định lên tới 27,2 triệu euro. Tại sao lại thế?
Ngay trong buổi điều trần đầu tiên, Hoeness thừa nhận ông trốn thuế ít nhất 18,5 triệu euro. Nhưng sau khi thu thập các tài liệu từ ngân hàng Thụy Sĩ và chứng cứ từ các nhân chứng, số tiền này được xác định là 27,2 triệu euro.
Thủ tướng Đức làm nhân chứng?
Hai ngày trước khi thú tội trốn thuế và 1 ngày trước khi tờ Stern đăng tải bài báo về tài khoản ngân hàng trốn thuế của Hoeness, chủ tịch Bayern đã có cuộc gặp thủ tướng Đức Angela Merkel tại Berlin. Theo một số người bạn của Hoeness thì trong buổi gặp này, chủ tịch của Bayern đã nói với bà Merkel về việc sẽ thú tội. Nếu đúng vậy, bà Merkel hoàn toàn có thể là một nhân chứng trong phiên tòa và giúp Hoeness chứng minh về việc ông đã có ý định tự thú từ trước khi có tác động của giới truyền thông.
Hoeness sẽ phải ngồi tù?
Ken Heidenreich, một chuyên gia luật, nhận định: “Nếu Hoeness chứng minh được rằng ông chủ động tự thú, đó là một tình tiết giảm nhẹ đáng kể. Nhưng điều đó không có nghĩa nó là yếu tố quyết định. Các thẩm phán sẽ phải cân nhắc giữa các yếu tố như tự thú, quá trình điều tra, cung cấp tài liệu, số tiền trốn thuế... của Hoeness mới có thể đưa ra một bản án phù hợp”.
Các nhà tài trợ của Bayern nói gì?
Cả 3 cổ đông lớn của Bayern là hãng sản xuất đồ thể thao Adidas, công ty bảo hiểm Allianz và hãng sản xuất xe hơi Audi đều từ chối bình luận về phiên tòa xử Hoeness. Phía Adidas vẫn cam kết sẽ duy trì các hợp đồng quảng cáo với đội bóng xứ Bavaria ít nhất tới năm 2020.