1. Nhưng bây giờ thì cái “quota” của ước mơ đã chạm tới rồi: Seedorf thực sự đã đoạt Champions League 3 lần với tư cách một cầu thủ, trong màu áo của 3 CLB khác nhau (là cầu thủ duy nhất trong lịch sử làm được điều này). Liệu cựu tiền vệ tài hoa người Hà Lan có thể vượt qua chính ước mơ của mình để làm được thêm một điều gì đó trong tư cách HLV tại đấu trường danh giá nhất châu Âu?
2. Có một thực tế buồn cho cả hai đội bóng đã tham dự trận chung kết Champions League mùa 2006/07 tại Athens: họ đều chìm khuất tại đấu trường này ngay sau đó. Liverpool và Milan – hai nhà vô địch ở Athens và từng một thời khuấy đảo châu Âu khi vào tứ kết, bán kết như đi chợ - giờ trở thành kẻ chầu rìa ở sân chơi danh giá nhất cựu lục địa.
Hãy nhìn Liverpool. Đội bóng vùng Merseyside nước Anh thậm chí không thể giành được vé dự đấu trường này trong thời gian gần đây. Còn Milan thì sao? Trong 6 mùa vừa qua, nhà cựu vô địch châu Âu này chỉ một lần biết tới mùi tứ kết Champions League, 1 mùa đá Europa League, 4 mùa còn lại qua được vòng bảng và thế là... hết. Với cái giới hạn ấy, người ta có quyền tự hỏi rằng đội bóng vĩ đại của Italia bây giờ khác những tên tuổi “bình dân” như Besiktas hay Galatasaray ở điểm nào.
3. Trận đấu với Atletico sẽ rất quan trọng với Milan cũng như cá nhân Seedorf. Nó là bước khởi đầu của ông trong một hành trình mới. Tân HLV trưởng của Milan có thể mở ra cho họ một thời kỳ mới: ông là sản phẩm của nền bóng đá Hà Lan, nơi người ta hiểu và biết trân trọng đào tạo trẻ, hay rộng hơn là việc “xây nhà từ móng”. Đó là điều Milan đang cần sau gần 3 thập kỷ sống bằng sự rộng lượng của nhà Berlusconi, thứ vốn đã không còn. Milan bây giờ thậm chí còn không được đầu tư xứng đáng để chạy đua tại Serie A chứ đừng nói tới Champions League của thời quá vãng.
Nhưng ông sẽ cần uy tín, với BLĐ, cầu thủ và giới truyền thông, cần sự tự tin, cần thời gian. Trận đấu gặp Atletico có thể cho Seedorf một cú bật để ông bắt đầu thực hiện những kế hoạch mà chắc chắn những HLV trẻ trung như ông đang đầy ắp. Seedorf có thể trở thành một Diego Simone hay là Jose Mourinho mới, ông thậm chí có nhiều tiền đề hơn họ nếu xét đến thành công và kinh nghiệm thời còn là cầu thủ. Nhưng điều kiện quan trọng nhất để những người trẻ kia có thể vững bước trên con đường danh vọng của họ, là thành công trong mùa giải đầu tiên. Khác với những nhà cầm quân lão làng, người ta sẽ không cho một HLV trẻ cơ hội nếu anh ta sai lầm từ đầu (anh ta lấy đâu ra kinh nghiệm để mà sửa sai?)
Clarence Seedorf được Antonio Cassano đặt biệt danh là “Obama” vì cách ứng xử khéo léo trước giới truyền thông, như một chính trị gia hàng đầu. Ông sẽ ở đó, để nâng tầm giấc mơ của chính mình và cải biến số phận Milan hay sử dụng kỹ năng giao tiếp để bao biện cho những thất bại? Hãy hy vọng rằng không phải là điều thứ 2, bởi việc chứng kiến một huyền thoại như Seedorf bước lên một tầm cao nữa, không phải lúc nào người ta cũng có cơ hội.