20. Dwight Yorke (1998-2002: 147 trận, 65 bàn)
Mùa 1997/98, có thời điểm M.U đã hơn đối thủ bám đuổi Arsenal đến 12 điểm. Nhưng rút cuộc, CLB thành London mới là đội cán đích đầu tiên với 1 điểm nhiều hơn. Đó là thời khắc Sir Alex nhận ra ông cần phải tăng cường hỏa lực cho Andy Cole ở tuyến đầu. Và thế là Dwight Yorke được mang về từ Aston Villa với mức phí 12,6 triệu bảng.
Không phụ sự kỳ vọng, Yorke chứng minh mình là “nửa còn thiếu” hoàn hảo của Cole. Bộ đôi huyền thoại này chơi ăn ý ngay từ những pha phối hợp đầu tiên và là đòn bẩy để M.U thực hiện mùa giải “ăn ba” thần kỳ. Yorke đã ghi 29 bàn trong năm đó. Phong độ cao của anh được duy trì trong 2 mùa tiếp theo, trùng với thời điểm M.U đọat thêm 2 chức vô địch Premier League. Nhưng sau sự ra đi của Cole vào cuối mùa 2001, Yorke chia tay sân Old Trafford 1 năm sau đó để gia nhập Blackburn Rovers.
19. Brian McClair (1987-1998: 471 trận, 127 bàn)
Một trong những nhân tố đầu tiên được Sir Alex mang đến Manchester từ Scotland là Brian McClair. Cựu trung phong của Celtic đã chứng kiến mọi thăng trầm của M.U từ thời kỳ quá độ cuối thập niên 80 đến những thành công vang dội sau đó.
Tiêu tốn của M.U 850.000 bảng phí chuyển nhượng, McClair nhanh chóng chứng minh giá trị của mình với 47 bàn thăng sau 2 mùa giải đầu. Vậy nhưng phải đến mùa 1989/90, McClair mới có được danh hiệu đầu tiên cùng CLB mới với chức vô địch FA Cup.
18. Jaap Stam (1998-2001: 127 trận, 1 bàn)
Một trong những trung vệ nổi tiếng nhất dưới thời Sir Alex nhưng cũng là sự tiếc nuối lớn nhất: Jaap Stam. Sau khi bổ sung Yorke cho đội hình, “Máy sấy tóc” cũng nhận ra cần phải tăng cường thêm chất thép cho tuyến dưới. Và thế là 10,6 triệu bảng được chuyển vào tài khoản của PSV Eindhoven để đổi lấy sự phục vụ của Stam.
Ra sân 51 trận ngay trong mùa giải đầu tiên, Stam chứng minh vị thế “hòn đá tảng” của mình khi cùng M.U đoạt ngay “cú ăn ba” Champions League, Premier League và FA Cup. Tiếp tục duy trì phong độ cao trong những mùa tiếp theo nhưng chính cá tính mạnh của Stam khiến anh và Sir Alex xảy ra những mâu thuẫn, tiền đề cho sự ra đi vào năm 2001.
17. Ole Gunnar Solskjaer (1996-2007: 366 trận, 126 bàn)
“Siêu dự bị”, “sát thủ có khuôn mặt trẻ thơ”, đó là những biệt danh mà người hâm mộ M.U trìu mến gọi Solskjaer. Khi nhìn vào Solskjaer, người ta mới nhận ra số tiền 1,5 triệu bảng đôi khi có thể thay đổi lịch sử cả một CLB. Nếu không có cú ra chân nhanh như sóc trong những phút bù giờ của Solsa ở trận chung kết Champions League 1998/99, Sir Alex khó lòng tạo ra được một mùa giải huy hoàng đến thế.
11 năm ở Old Trafford, Solskjaer chưa bao giờ là một cầu thủ nổi bật khi liên tiếp bị hành hạ bởi các chấn thương. Nhưng chính quyết tâm thi đấu và lòng trung thành đáng ngưỡng mộ khiến anh luôn là một trong những biểu tượng được yêu thích nhất Old Trafford.
16. Nemanja Vidic (2006-2014: 300 trận, 21 bàn)
Trước thời điểm 2006, Sir Alex luôn đau đầu tìm người đá cặp với Rio Ferdinand. Khi đầu óc đã là thứ Rio sở hữu, M.U cần một mảnh ghép sức mạnh như Stam ngày trước. Và phải khi sang tận nước Nga xa xôi, Sir Alex mới tìm ra được cầu thủ phù hợp. Quỷ đỏ đã tốn 7 triệu bảng cho Spartak Moscow để có được chữ ký của Vidic.
Cùng với Ferdinand, Vidic tái lập bức tường vững chắc trước khung thành M.U, cơ sở để đoàn quân của Fergie đoạt liên tiếp các danh hiệu. Lối chơi lăn xả hết mình vì đội bóng của Vidic được các CĐV vô cùng yêu quý. Đó là lý do anh nhận được giải thưởng Cầu thủ xuất sắc nhất năm do NHM bình chọn, bất chấp sự hiện diện của Ronaldo trong đội hình.
Năm 2010, anh bất ngờ nhận chiếc băng đội trưởng từ Sir Alex vì những đóng góp và tầm ảnh hưởng trong đội bóng. Dù chia tay sân Old Trafford không thực sự thành công vào năm 2014 nhưng Vidic vẫn luôn được yêu quý như biểu tượng của lòng quả cảm.
15. Ruud van Nistelrooy (2001-2006: 219 trận, 150 bàn)
Jamie Vardy đang rất nỗ lực tại Premier League chỉ để san bằng kỷ lục ghi bàn trong 10 trận liên tiếp của một huyền thoại: Ruud van Nistelrooy. Ở đấu trường châu lục, 38 bàn tại Champions League của Van Nistelrooy vẫn đang là một tượng đài chưa thể xô đổ ở Old Trafford. Chỉ cần làm một phép tính đơn giản, chúng ta dễ dàng nhìn ra con số 30 bàn/mùa trong 5 mùa liên tiếp của Van Nistelrooy. Một hiệu suất vô cùng khủng khiếp, đến mức NHM phải gọi anh là “Van Gol”.
Khi mà các bàn thắng đến dễ dàng như việc hít thở, Van Nistelrooy lại không chịu ngồi yên. Việc tiền đạo người Hà Lan liên tục gây chuyện với người đàn em Crisiano Ronaldo làm Sir Alex nóng mắt. Và để tạo điều kiện tốt nhất cho CR7 phát triển, Sir Alex quyết định để Van Nistelrooy gia nhập Real Madrid vào năm 2006.
14. Mark Hughes (1988-1995 (giai đoạn 2): 352 trận, 116 bàn)
Hughes khởi nghiệp tại chính Old Trafford trước khi quyết định chuyển sang thử sức ở Barcelona. Tuy nhiên, quãng thời gian tại Nou Camp không hề hạnh phúc và Sir Alex đã quyết định mang Hughes về với mức phí kỷ lục 1,8 triệu bảng.
Trở về mái nhà xưa, bằng tài năng trời phú và cách sử dụng hợp lý của Sir Alex, Hughes liên tiếp bùng nổ để làm nhân tố chủ đạo cho chức vô địch FA Cup 1990 và Cup Winners' Cup 1 năm sau đó. Kể từ thời điểm Premier League đổi tên, Hughes đã cùng người đá cặp Eric Cantona đem về thêm 2 chức vô địch quốc nội nữa trước khi chuyển sang Chelsea vào năm 1995.
13. Rio Ferdinand (2002-2014: 455 trận, 8 bàn)
Kể từ sau sự ra đi của Jaap Stam, M.U luôn thiếu đi một thủ lĩnh ở hàng phòng ngự. Và phải mất đến 30 triệu bảng, Sir Alex mới thuyết phục được Leeds “nhả” Rio Ferdiand vào năm 2002. Vậy nhưng sự khởi đầu của Rio tại Old Trafford không được như kỳ vọng. Vắng mặt trong buổi kiểm tra doping mùa 2003/04, anh bị FA cấm thi đấu 8 tháng, cùng với đó là hàng loạt chấn thương mắc phải sau khi trở lại.
Nhưng quãng thời gian sau, NHM đã có thể thở phào. Ferdinand tìm lại được phong độ cao nhất. Vẫn với lối chơi đầu óc khác hẳn so với phần còn lại của Premier League, anh được đánh giá là trung vệ xuất sắc nhất của nước Anh trong 2 thập kỷ qua. Điều đó được cụ thể hóa bằng 6 chức vô địch Premier League, 3 League Cup và 1 Champions League mà anh mang về phòng truyền thống của M.U.
12. Andrew Cole (1995-2001: 275 trận, 121 bàn)
Cole là một sát thủ thực sự tại Premier League. Trong màu áo Newcaslte, anh đạt hiệu suất khủng khiếp khi ghi 68 bàn/84 trận. Điều này đã gây hứng thú với Sir Alex và khiến ông tạo ra một trong những bản hợp đồng gây sốc nhất nước Anh vào năm 1995. Newcaslte đã mất tiền đạo chủ lực vào tay đại kình địch với phí chuyển nhượng 7 triệu bảng.
Ngay trong tuần đầu gia nhập, Cole đã ghi 5 bàn vào lưới Ipswich Town. Vậy nhưng trái với sự khởi đầu như mơ đấy, Cole chỉ là cái bóng của Eric Cantona trong mùa giải 1995/96. Phong độ giảm sút cộng với việc 2 lần bị gãy chân, anh suýt nữa đã bị bán vào đầu mùa sau, như một phần trong bản hợp đồng chiêu mộ Alan Shearer.
Vậy nhưng những màn trình diễn ấn tượng sau đó đã giúp Cole giữ lại vị trí ở Old Trafford. Khi được đá cặp cùng Yorke, Cole mới phát huy cao nhất khả năng săn bàn của mình với mùa giải 1998/99 huyền thoại.
11. Steve Bruce (1987-1996: 414 trận, 52 bàn)
Trước thời của Stam, nhắc đến hàng phòng ngự của M.U là nhắc đến Steve Bruce. Gia nhập từ Norwich City vào năm 1997, Bruce nhanh chóng cùng Gary Pallister tạo thành cặp bài trùng ở trung tâm hàng phòng ngự M.U.
Không một CĐV Quỷ đỏ nào có thể quên pha lập công của Bruce trong phút bù giờ trận đấu với Sheffield Wednesday năm 1993, kết thúc 26 năm mòn mỏi chờ đợi chức vô địch quốc nội. Đó chỉ là ví dụ điển hình cho khả năng tận dụng cơ hội vô cùng tốt từ những tình huống cố định của Bruce, một vũ khí giúp anh có được 52 bàn thắng dù thi đấu trong vai trò trung vệ.