Vài tuần trước, các cầu thủ M.U tràn đầy quyết tâm tuyên bố mỗi trận còn lại với họ đều được xem như là chung kết. Nhưng nếu quả thực là vậy, lúc này họ đã thua liên tiếp 3 “trận chung kết”, và thậm chí còn chẳng ghi được bàn thắng nào.
Vấn đề của “Quỷ đỏ” nằm ở đâu? Đơn giản, Chelsea đã cho họ quyền kiểm soát bóng, nhưng đổi lại Eden Hazard ghi bàn duy nhất cho nhà tân vô địch. Một tuần sau đó, Everton cũng chọn cách chơi tương tự, và ghi được tới 3 bàn thắng. Thêm 1 tuần nữa trôi qua, tới lượt West Brom giành trọn 3 điểm ngay tại Old Trafford với 1 bàn thắng đầy may mắn.
Nếu như sự điên rồ được giải thích là một hành động lặp đi lặp lại với hy vọng có được những kết quả khác nhau, thì David Moyes mùa trước có một chút “điên”. Trước Fulham, Moyes từng yêu cầu các học trò liên tục xuống biên và tạt vào chẳng cho ai cả suốt 90 phút. Cách chơi này đem lại cho M.U kỷ lục về số lần tạt bóng trong một trận đấu ở Premier League. Chỉ có điều, chẳng ai dám tin “Quỷ đỏ” có thể bước vào hiệp 2 với cách chơi tương tự, để rồi hòa chung cuộc 2-2 với đối thủ London ngay ở Old Trafford. Fulham thời điểm đó đang đứng thứ 20 trên BXH, và đã xuống hạng vài tháng sau đó.
Những so sánh Moyes với Louis van Gaal là vô nghĩa, nhưng nỗi thất vọng các CĐV M.U phải trải qua mùa này, dù có ít hơn mùa trước nhưng cũng có nhiều nét tương đồng.
Van Gaal đang “điên” một chút về khâu kiểm soát bóng, hay nói cách khác, đó là “triết lý” chiến thắng của ông. Nhà cầm quân người Hà Lan muốn các học trò giữ bóng nhiều, kiểm soát thế trận, qua đó hạn chế số cơ hội ghi bàn của đối phương tới mức tối thiểu. Mặt khác, về lý thuyết, đương nhiên càng cầm nhiều bóng sẽ càng có nhiều cơ hội ghi bàn hơn.
Theo thống kê của Whoscored, đội có tỷ lệ kiểm soát bóng trung bình cao nhất La Liga mùa này là Barca, đội dẫn đầu bảng. Xếp thứ hai là Real Madrid, đội nhì bảng. Tại Đức, Bayern Munich đạt tỉ lệ kiểm soát bóng cao nhất và đã là nhà vô địch sớm 4 vòng. Wolfsburg xếp thứ nhì trên BXH và cũng đứng thứ 3 về thời lượng trung bình cầm bóng mỗi trận. Juventus cũng đã lên ngôi sớm 3 vòng tại Serie A, với tỉ lệ kiểm soát bóng cao thứ ba toàn giải. Dường như đã thành một quy tắc chung của bóng đá châu Âu: Thành công tỉ lệ thuận với thời lượng kiểm soát bóng.
Tại Premier League, M.U đang là đội đạt tỉ lệ kiểm soát bóng cao nhất, nhưng vị trí của họ trên BXH chỉ là thứ 4, và rất khó có khả năng cải thiện vị trí này, nếu không muốn nói là còn có nguy cơ mất suất top 4. Vấn đề của “Quỷ đỏ” ở chỗ, dù cầm bóng nhiều, họ không tạo ra được nhiều cơ hội dứt điểm (không có mặt trong top 5 đội có tỉ lệ sút mỗi trận cao nhất).
Trước West Brom, M.U cầm bóng nhiều, chuyền từ hành lang này sang hành lang kia, liên tục nỗ lực lên bóng. Trong khoảng 75 phút đầu, hiếm khi họ thực sự tăng tốc, gần như không thể tạo ra cơ hội, họ chỉ đơn thuần hài lòng với quyền kiểm soát bóng. Thế trận ấy quá phù hợp với một đội khách bị đánh giá thấp hơn, vốn xây dựng một đội hình phòng ngự nhưng thực chất cũng chẳng gặp phải quá nhiều khó khăn. Ngoài những quả tạt bổng, “Quỷ đỏ” thiếu đi hoàn toàn những đường chuyền chia cắt hàng phòng ngự đối phương.
Trong 15 phút cuối, M.U dồn toàn lực tấn công, đưa Angel Di Maria vào sân chơi trong vai trò một hậu vệ biên. Kể từ lúc này, họ tạo ra được 2 hoặc 3 cơ hội thực sự ngon ăn, trong đó có quả penalty bị Robin Van Persie bỏ lỡ. Nếu như chơi được như thế ngay từ những phút đầu, “Quỷ đỏ” có thể đã giành chiến thắng. Nhưng lối chơi tấn công toàn lực như vậy có lẽ là quá mạo hiểm với một người như Van Gaal.
Nhiều ý kiến cho rằng M.U đã phải trả giá vì mất Michael Carrick. Đúng là sự có mặt của Carrick sẽ giúp những Ander Herrera hay Juan Mata thảnh thơi hơn và tập trung vào nhiệm vụ kiến tạo, nhưng anh cũng chẳng thể khiến “Quỷ đỏ” luân chuyển bóng nhanh hơn. Carrick đã vắng mặt trong phần lớn mùa giải, vì vậy Van Gaal cần phải tìm ra cách sống thiếu anh từ lâu rồi, thay vì vẫn còn để vấn đề ấy tồn tại tới tận lúc này.
Alan Pardew không phải gã ngốc, đặc biệt là khi đã đưa Crystal Palace “lột xác” từ vị trí thứ 18 (chỉ hơn Burnley hiệu số bàn thắng bại) lên tới thứ 12 như hiện tại. Ông chắc chắn đã rút ra cách để giành điểm số từ tay M.U sau khi nghiên cứu 3 thất bại gần nhất của đối thủ.
Sau những chiến thắng ấn tượng trước Tottenham, Liverpool và Man City, nhiều người đã nghĩ tới vị trí thứ 2 chung cuộc cho “Quỷ đỏ”, một bước tiến vượt bậc ngay trong mùa giải đầu tiên Van Gaal lên nắm quyền. Nhưng rồi tới lúc này, câu chuyện đã hoàn toàn khác. M.U phải nhọc nhằn chiến đấu bảo vệ vị trí dự Champions League mùa sau trước sự bám đuổi từ Liverpool. Cũng may cho họ là đối thủ truyền kiếp thành phố cảng không còn duy trì được phong độ tốt.
Chuyến làm khách tới Selhurst Park vào đêm nay sẽ là cơ hội để M.U xóa bỏ đi “thói quen” xấu của họ, và giành một trận thắng củng cố suất dự cúp châu Âu. Liverpool sẽ rất khó có điểm trên sân của Chelsea, nhưng điều đó sẽ trở nên chẳng mấy ý nghĩa nếu “Quỷ đỏ” đồng thời không thể giành 3 điểm để bứt phá. Bởi chỉ 1 tuần sau, họ sẽ phải tiếp đón Arsenal, một trong những đội bóng đang có phong độ cao nhất Premier League.
Chiếc ghế của Van Gaal vẫn đang rất chắc chắn, nhưng đây lại là thời điểm cực kỳ quan trọng với M.U cũng như với tương lai của ông. Đội bóng này không thể tiếp tục vắng mặt ở Champions League thêm một mùa nữa, vì thế họ cần phải tập cách chuyển hóa thời lượng kiểm soát bóng thành cơ hội, nếu không muốn chuyến hành quân tới London vào đêm nay trở thành một thảm họa.