BÓNG NHIỀU, Ý TƯỞNG ÍT
Louis van Gaal, một thành viên của “trường học Hà Lan”, là người bị ám ảnh về việc kiểm soát bóng. Trừ đội tuyển Hà Lan ở World Cup 2014 vừa rồi, gần như tất cả mọi đội bóng mà Van Gaal dẫn dắt đều chủ động kiểm soát thế trận. M.U cũng không phải là ngoại lệ. Mùa này, tỉ lệ kiểm soát bóng bình quân của Quỷ đỏ lên tới gần 60%, riêng trận gặp West Brom cuối tuần qua lên tới 80%. Cách M.U cố gắng duy trì quyền kiểm soát bóng bằng những đường chuyền qua lại khiến người ta không thể không nghĩ tới tiqui-taca.
Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt. Việc cầm bóng nhiều giúp M.U chủ động hơn về lối chơi, giảm được áp lực lên khung thành, và, về lý thuyết, có nhiều cơ hội tấn công hơn. Nhưng khi có một đội kiểm soát bóng quá nhiều, đội còn lại đương nhiên sẽ dồn hết về sân nhà, và những khoảng trống trước khung thành sẽ trở nên khan hiếm hơn. Ngoài ra, vì việc kiểm soát bóng đòi hỏi sự vượt trội về quân số, đội hình M.U sẽ tự dâng cao (đôi khi một cách vô thức), để lộ những khoảng trống mênh mông phía trước khung thành.
Đấy là điều mà Barca thời Guardiola trải qua hàng tuần. Cũng là điều mà M.U bắt đầu thấy quen thuộc. Vấn đề của M.U là hệ thống phòng ngự của họ chưa đủ hoàn thiện để triệt tiêu từ đầu ý đồ phản công của đối thủ theo cách Barca-Guardiola từng làm. Các đội bóng khi đối mặt với Quỷ đỏ, do đó, yên tâm lùi sâu đội hình, vì họ biết cơ hội sớm muộn gì rồi cũng tới. Chelsea, Everton và West Brom đã chơi như thế và thành công. Trong tương lai, sẽ có thêm nhiều đội nữa chơi như họ.
THIẾU MỘT... MESSI
Khi đã lựa chọn lối chơi kiểm soát bóng, một đội bóng cần phải hoàn thiện khả năng “khoan phá bê-tông”, hoặc sở hữu một siêu cầu thủ có thể tự mình tạo ra đột biến. Barca thời đỉnh cao có cả hai. Họ có thể thực hiện những pha phối hợp nhanh như điện ngay trước mặt vòng cấm đối phương, tạo ra những khoảng trống, và khai thác khoảng trống ấy một cách chớp nhoáng. Họ còn có Messi, người có thể một mình tạo ra sự rối loạn, mở ra khoảng trống để đồng đội hoặc tự mình khai thác.
M.U hiện tại, rất tiếc, chẳng có cả hai. Họ phối hợp không đủ nhanh, mà cũng chẳng đủ nhuần nhuyễn để đối phương phải rối loạn. Các tiền vệ của họ cũng không đủ quyết đoán để qua người, nên thường chuyền ngang dọc một cách khá luẩn quẩn (hoặc họ được chỉ đạo chơi như thế). Di Maria, cầu thủ được kỳ vọng sẽ là Messi của M.U, thì đang thiếu tự tin trầm trọng. Khi Fellaini được đẩy lên cao nhất, còn Rooney với Van Persie phải lùi xuống hỗ trợ, đó là khi tiqui-taca của Van Gaal đạt tới đỉnh điểm của sự... thất vọng!?
Sau trận đấu với West Brom, Van Gaal đã đổ lỗi cho hàng công dứt điểm kém và sự thiếu may mắn. Nhưng khi một đội bóng tịt ngòi 3 trận liên tiếp, vấn đề không còn nằm ở một bộ phận hay yếu tố may mắn nữa. Đã tới lúc Van Gaal thôi tự ru ngủ và tìm kiếm sự thay đổi, cả trên sân tập lẫn trên thị trường chuyển nhượng.
Những thước phim đầu tiên về M.U được quay vào năm 1902
NỘI DUNG SẼ XUẤT HIỆN TẠI ĐÂY Độ cao sẽ thay đổi tùy theo nội dung đã xuất bản |
Một loạt “kỷ lục” cho Van Gaal
Thất bại trước West Brom đã đưa Van Gaal lên ngang hàng với... David Moyes ở khoản “phá” kỷ lục. Đó là lần đầu tiên từ năm 2001, M.U để thua 3 trận liên tiếp ở Premier League. Cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1989, họ để thua 3 trận liền ở giải VĐQG mà không ghi được bàn nào. HLV Tony Pulis đã có chiến thắng đầu tiên trước M.U ở Premier League sau 11 lần thử sức. Và West Brom là đội đầu tiên trong 10 năm qua giành chiến thắng ở Premier League với tỉ lệ kiểm soát bóng chỉ 20%!