Bóng Đá Plus trên MXH

» Châu Âu» Anh
Tự truyện “Sinh ra để tỏa sáng” của Sergio Aguero: Máu điên của Mario Balotelli (Kỳ 2)
08:37 ngày 24/02/2015
Trong trích đoạn tiếp theo của cuốn tự truyện, Aguero đã kể về 1 trong những người đồng đội mà anh cảm thấy ấn tượng nhất. Đó là “bé hư” Mario Balotelli, ngôi sao đã sát cánh cùng anh trong hơn 1 năm rưỡi trên hàng công của đội bóng thành Manchester.

    Mario rất điên, nhưng chỉ khi nào cậu ấy muốn. Cậu ấy có thể làm những thứ thật điên rồ vì cậu ấy nghĩ mình có thể làm thế. Chúng tôi cùng nhau bước ra sân tập và cậu ấy đá bất kỳ quả bóng nào mình gặp, theo đủ thứ hướng khác nhau cho vui. Cậu ấy ném phô mai vào người các đồng đội khi ngồi trên bàn ăn. Rất nhiều hành vi của Mario, tôi cảm giác, đến từ việc cậu ấy muốn tỏ ra khác biệt. Có thể cảm giác bất an thôi thúc Mario làm việc ấy. 

    Tôi không ngừng gọi cậu ấy bằng những cái tên ngớ ngẩn, mang cậu ấy ra làm trò đùa. Nhưng trong thâm tâm, tôi thật sự yêu mến cậu ấy. Tất cả mọi người cũng đều yêu mến Mario cho dù cậu ấy thỉnh thoảng khiến cả đội như phát điên lên. Mario vẫn thường nói chả có ai yêu thương mình cả, và cậu ấy nghĩ như vậy thật.

    Không một ai biết Mario đã âm thầm chuẩn bị chiếc áo (Why Always Me) khi chúng tôi đến sân Old Trafford cho trận đấu với Man United. Có thể cậu ấy giấu nó bên dưới chiếc áo vest hay đại loại thế. Khi tôi nhìn thấy bức thông điệp “Why Always Me?” sau khi Mario ghi bàn, tôi cũng hơi ngạc nhiên, nhưng rồi tôi tự nhủ ngay: nếu không làm những việc như thế thì đâu còn là Balotelli nữa. Nếu bất kỳ ai trong chúng tôi biết Mario thủ sẵn chiếc áo thun ấy, bọn tôi sẽ bắt cậu ấy cởi ra ngay. 


    Mario là như vậy đấy, cậu ta chỉ làm những gì mình nghĩ là đúng, không quan tâm lắm đến tính hợp lý của nó. Thỉnh thoảng Mario lại đến sân tập và than vãn: “Bọn cảnh sát cứ theo tớ suốt đường tới đây, họ muốn nói chuyện với tớ”. Và tôi sẽ trả lời: “Nói chuyện với cậu làm gì? Cậu lái xe quá tốc độ hay lỡ tông vào ai thì có”.

    Thỉnh thoảng, người quản lý sân vào nói với Mario là cảnh sát muốn nói chuyện với cậu ta. Câu đầu tiên Mario phun ra là “Bà mẹ bọn cảnh sát”, sau đó ngẫm nghĩ một hồi rồi nói thêm là có lẽ cậu ấy đã trót chạy qua cảnh sát với tốc độ hơi nhanh một tí. Mario luôn muốn thu hút sự chú ý của mọi người, kể cả... cảnh sát.

    Một ngày kia, chúng tôi đang ăn sáng tại Carrington, tôi ngồi kế Mario, khi ấy đang đọc bài báo viết về mình với tấm hình “Why Always Me?” to tướng. Bên cạnh ấy là một loạt những câu hỏi: vì sao lúc nào cũng là Balotelli? Gái Balotelli, hút thuốc Balotelli, cảnh sát Balotelli, thẻ đỏ, giấy phạt, pháo hoa... sao cái nào Balotelli cũng có hết vậy. Cậu ấy quay qua tôi và nói: “Ơ bọn này bịa. Tớ có làm thế đâu”. Tôi nói: “Vậy mà họ chụp được ảnh cậu làm tất tần tật những việc ấy đấy”. Mario không hề quan tâm đến bất kỳ ai, nhưng tôi luôn nói cậu ấy phải nghe tôi.

    Mối quan hệ giữa Mario và Mancini cũng thường khiến tôi mỉm cười. Họ có thể cãi nhau như chó với mèo trên sân tập rồi ngay sau đó quàng vai nhau vào phòng thay đồ như không có chuyện gì xảy ra. Họ cãi nhau rất kinh, la hét chửi thề vào mặt nhau ỏm tỏi, nhưng quay đi quay lại đã thấy như cha con. 

    Khi chúng tôi chia đội đá sân 5 người, Mancini cũng tham gia. Ông ấy luôn sang đội đối thủ của Mario để được... va chạm với nhau trên sân. Những khi ấy ông ấy nói: “Đừng coi tôi là HLV của các cậu, cứ coi như đối thủ bình thường thôi, đá đấm thoải mái”.

    Mancini bảo chúng tôi có thể nói bất kỳ điều gì, chửi thề cũng được. Mario nghe thế thích lắm, trận đấu vừa bắt đầu là lao đến tranh thủ chơi xấu và chửi mắng Mancini. Ngược lại, Mancini cũng hăng hái đáp trả không kém. Cả 2 độp nhau suốt cho đến khi hết giờ, xong Mancini đến nói: “Xong rồi nhe, bây giờ tôi lại là HLV của cậu. Lộn xộn là phạt nhen”.

    Mario nghe thế thì tranh thủ thòng thêm câu cuối: “Ông làm HLV coi bộ được hơn đó, chứ ông đá bóng như cứt vậy”. Nói xong cậu ấy bỏ đi, hờn dỗi đâu phải mấy ngày. Mario lúc nào cũng như một đứa trẻ. Khi viết những dòng này, tôi thật sự cảm thấy nhớ thời gian cậu ấy còn quanh quẩn trên sân tập. Bởi vì dù hơi bị điên, Mario lại có một cá tính tuyệt vời, một nhân vật tuyệt vời trong phòng thay quần áo.

    Tôi rất tiếc khi Mario bị bán đi, nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc với nhau. Tôi dính chấn thương, không thể dự trận gặp Barcelona tại Champions League và phải ngồi xem trên khán đài. Tôi nhận được một cuộc gọi, không biết ai, nhưng vẫn bốc máy. Đầu dây bên kia là Mario Balotelli:

    “Ê ê, Mario nè! Mọi chuyện diễn ra thế nào rồi hả tên kia? Cố lên City! Cố lên City!”

    Không đợi tôi kịp nói gì, Mario gác máy!

    ỦNG HỘ MANCINI, NHƯNG SA THẢI THÌ... THÔI
    Tôi nghĩ Man City đã khiến rất nhiều đội bóng ngạc nhiên khi vô địch Premier League lần đầu tiên, đấy là vì các đối thủ không hình dung ra được sức mạnh của Man City. Chúng tôi mang về 3-4 cầu thủ mới và thay đổi cách chơi bóng của mình. Vì thế mà khi các đội bóng đến Etihad với ý định tấn công, hầu như tất cả đều phải nhận thất bại nặng nề. Đấy là một Man City với cách nghĩ khác, cách chơi khác và không một ai tin là chúng tôi có thể ghi nhiều bàn đến thế.

    Khi mùa bóng 2011/12 trôi về cuối, chúng tôi ngày càng khó khăn hơn trong việc ghi bàn. Đấy là khi các đội bóng đến Etihad với tư tưởng phòng ngự và khiến cho mọi thứ trở nên phức tạp hơn. Xu hướng phòng ngự khi đá với Man City càng được thể hiện rõ ràng hơn nữa ở mùa bóng tiếp theo 2012/13. Hoặc là phòng ngự số đông hoặc là đón nhận thất bại nặng nề, quá dễ để cho họ chọn lựa. Rồi cách chơi của chúng tôi cũng trở nên quá dễ đoán trong một chừng mực nào đó.


    Phong độ trên sân khách của chúng tôi không tốt. Và có cảm giác là khi chúng tôi thắng thì Man United cũng thắng. Ngược lại khi chúng tôi đánh rơi điểm, United đều tận dụng thành công. Đội bóng của Sir Alex Ferguson là hình mẫu của sự ổn định. Họ luôn thi đấu tốt vừa đủ để có kết quả, trận đấu chỉ có 1-2 bàn và họ luôn giành 3 điểm. Có thể thành công của chúng tôi 1 năm trước đã thôi thúc họ nhiều hơn nữa. Thỉnh thoảng tôi nghĩ quả là khó duy trì được nguồn năng lực và sự quyết tâm như mùa bóng cũ. Khi đã vô địch vào đúng ngày cuối cùng của mùa bóng, các cầu thủ có chút tâm lý xả hơi. Chuyện ấy cũng là điều dễ hiểu. Rồi lại có cậu chuyện về việc vài cầu thủ trong đội muốn thay Mancini vào cuối mùa. Nhưng bản thân tôi ở Man City và chưa bao giờ nghe thấy việc ấy cả. Quan hệ giữa tôi và Mancini (ảnh) rất tốt và tôi nghĩ với bất kỳ ai trong đội lúc ấy cũng thế. Khi nào Mancini còn là HLV trưởng, chừng ấy ông ấy vẫn còn sự ủng hộ của tôi.

    Chúng tôi có nghe những lời ca chế nhạo Mancini từ trên khán đài, nhưng bản thân tôi không suy nghĩ nhiều về những lời lẽ ấy. Tôi thật sự ngạc nhiên khi Mancini bị sa thải trước khi mùa bóng khép lại, điều không diễn ra nhiều tại bóng đá Anh. Và sau khi HLV đã ra đi, sau một chuyến đi đến New York vào cuối mùa bóng, tất cả chia nhau ra đi nghỉ Hè.  Tôi vẫn cố không nghĩ nhiều đến những chuyện đã xảy ra vì mục tiêu duy nhất của CLB này là thành công hơn nữa. Ban lãnh đạo chọn ai thay thế cũng có nghĩa là họ hoàn toàn tin tưởng ông ta. Các cầu thủ như tôi không việc gì phải nghĩ hộ họ cả.

    SỰ HÂM MỘ DÀNH CHO PELLEGRINI
    Tôi biết Manuel Pellegrini vì ông ấy đã dẫn dắt vài đội bóng ở La Liga khi tôi còn chơi cho Atletico Madrid. Ông ấy là một HLV rất biết cách truyền niềm tin đến các cầu thủ của mình. Ông ấy muốn họ ra sân và chơi thứ bóng đá quyến rũ. Ông ấy không thích những đường bóng dài. Khi có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với Manuel, tôi nhận ra ông ấy là một nhà quản lý nhân sự tuyệt vời. Ông ấy không bao giờ bỏ cuộc và không chấp nhận cho bất kỳ cầu thủ nào của mình có ý nghĩ bỏ cuộc. Tôi và ông ấy quả là rất hợp nhau trong công việc.

    Khi tất cả mọi thành viên của đội bóng đều nhìn về một hướng, bạn sẽ có một tập thể rất mạnh cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Đấy là điều mà mọi người có thể nhìn thấy trong mùa bóng đầu tiên của Pellegrini tại Man City. Bàn thắng nối tiếp bàn thắng, những trận đấu ngập tràn cảm xúc.

    SANG MAN CITY LÀ QUYẾT ĐỊNH TUYỆT VỜI
    Chuyển sang Anh sinh sống năm 23 tuổi, là thành viên của một CLB như Man City là quyết định tuyệt vời của đời tôi.
    Tôi có thể nói gì về các CĐV nhỉ? Cho dù tôi có thể tìm ra từ ngữ hay đến đâu cũng đều không đủ. Ngay từ ngày đầu tiên, tôi đã cảm nhận được sự ủng hộ tuyệt vời của họ. Điều ấy đẩy tôi vào tình thế không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải cố gắng trong từng giây phút hiện diện trên sân.

    Thật may mắn là tôi và các đồng đội của mình đã có thể đền đáp phần nào sự nhiệt tình của họ. Chúng tôi đã giành 2 chức vô địch Premier League, 1 Community Shield và 1 Cúp Liên đoàn trong 3 năm. Điều ấy thật sự đã vượt xa sự chờ đợi của tôi.


    Cơ duyên nào đưa tôi sang Man City ư? Người đại diện của tôi Reguera Hernan đã đến nhà riêng của Roberto Mancini ở Italia theo lời mời của ông ấy. Mancini trình bày chiến lược của mình và tin tôi sẽ là một nhân vật quan trọng trong chiến lược ấy. 

    Tôi cũng hoàn toàn bị chinh phục khi nghe những kế hoạch dài hơi hơn nữa từ CLB. Nhìn chất lượng đội bóng, những cái tên lừng lẫy, tôi biết đây sẽ là một tập thể sẽ giành được nhiều danh hiệu trong tương lai. Ngày ký hợp đồng, bố tôi đã bay từ Buenos Aires sang cùng góp mặt.

    Khi tôi đến sân bay Manchester, đã có rất nhiều người đón tiếp tôi. Tôi được đưa thẳng đến bệnh viện tư khám sức khỏe trước khi đến văn phòng sân Etihad để ký hợp đồng. Tôi đăng ký học tiếng Anh ngay tức thì, 3 buổi/tuần. Và từ đó, cuộc phiêu lưu tuyệt vời bắt đầu.

    THÍCH MANCHESTER NHƯNG NÉ CẦU THỦ M.U
    Đoạn dưới đây Kun Aguero viết về cuộc sống tại Manchester và việc anh lờ đi những cầu thủ của đội bóng đối nghịch cùng thành phố là Man United.

    Manchester là một thành phố yên tĩnh và đáng sống. Bạn có thể đi bát phố một mình mà gần như không gặp vấn đề gì.
    Có một sự khác biệt lớn giữa việc sống ở đây nếu so với Madrid và đặc biệt là ở Argentina. Khi vừa đến đây, gần như chưa ai biết nhiều về tôi cả. Tôi có thể tự do đi dạo quanh khu Trafford hoặc trung tâm thành phố. Nếu đội thêm một chiếc mũ lưỡi trai vào, ngay cả những người biết tôi nếu không để ý cũng sẽ không nhận ra.

    Bây giờ thì có lẽ tôi đã được nhiều người biết hơn sau khi ghi bàn thắng ẤY (bàn mang về chức vô địch Premier League 2012 cho Man City - PV), nhưng tôi vẫn có thể ra ngoài dùng bữa như thường. Người dân Manchester rất lịch sự. Nếu họ nhìn thấy tôi đang ăn, họ sẽ không làm phiền. Một khi biết chắc rằng tôi đã kết thúc bữa tối, họ sẽ lịch sự đến hỏi xin chụp hình. 


    Còn ở Argentina, tôi gần như không thể làm gì cả. Không thể ăn tối, không thể đi siêu thị, không thể tự mình mua cái gì. Bạn chỉ được ở một mình khi ngồi trong xe hơi hoặc ở nhà. Còn một khi đã bước ra ngoài thì chỉ sau vài phút đã có một đám đông vây quang. Nếu tôi thèm một món gì đó và vào nhà hàng ăn, người ta cứ thế mà tràn đến chụp hình, không hỏi han gì cả.

    Có một lần, một anh chàng đến và muốn chụp ảnh. Tôi nói xin hãy chờ mình dùng bữa xong đã, nhưng anh ta nói ngay: “Không, phải chụp ngay, tôi đang vội!”

    Người hâm mộ ở Anh quốc rất lịch sự và điều ấy khiến tôi cảm thấy thích thú. Họ là những người nồng nhiệt, thân thiện, nhưng luôn biết cách giữ khoảng cách để tỏ rõ sự tôn trọng. Tôi sống gần khu Alderley Edge, nơi ấy còn có một vài cầu thủ khác. Nhưng khi gặp cầu thủ của Man United thì tôi tránh mặt, tôi không chủ động nói chuyện với họ, không có là họ sẽ nói “Ồ, lâu quá không gặp!”.

    NHỮNG CÂU NÓI ĐÁNG NHỚ NHẤT
    Sergio Aguero nói về...
    + Chức vô địch Premier League 2012
    “Đấy là một tình huống điên rồ. Chúng tôi hiểu rõ những điều kiện cần để có thể vô địch, nhưng tôi có cảm giác mình sẽ chết mất nếu để vuột mất cơ hội, nếu cơn trụy tim không giết chết tôi thì e tôi cũng tự sát mất. OK, nghe có vẻ hơi bi kịch và cường điệu, nhưng đấy chính xác là điều mà tôi đã nghĩ. Nếu trót để danh hiệu vuột khỏi tay mình, tôi chẳng còn muốn nhìn về tương lai nữa.”
    + Cái đầu gối của Joey Barton
    “Có lẽ Barton nghĩ tôi đã chửi thề vào mặt anh ấy, bằng tiếng Tây Ban Nha hay thứ tiếng nào đó. Vì thế nên anh ấy cho tôi một cú lên gối vào bên hông. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không biết vì sao Barton lại làm thế và tôi thật sự muốn biết.”
    + Sự ngây thơ
    “Vào giờ nghỉ giữa hiệp (khi còn đá cho Independiente), tôi đến xin trọng tài đừng phạt tôi thẻ vàng trận ấy vì tôi sẽ bị treo giò trong trận đấu sân nhà cuối cùng của mùa bóng. Trọng tài nói: “Nếu cậu đừng phạm lỗi với ai thì tôi phạt thẻ vàng cậu làm gì?”. Thế nhưng ngay trong tình huống va chạm bình thường đầu tiên trong hiệp 2, ông ấy đã đến và rút thẻ vàng phạt tôi. Tôi tức giận như muốn phát điên và đã khóc ngay trên sân. Nghĩ lại vẫn còn thấy xấu hổ.”
    + Sức mạnh của Man City
    “Chúng tôi sẽ đấu đến cùng” không chỉ là phương châm của Man City. Đấy là sức sống đầy tính biểu tượng của một CLB không bao giờ đầu hàng. Chúng tôi không ngừng nỗ lực cho đến khi mất hết hy vọng. Chữ “niềm tin” dường như mang một hàm ý mạnh hơn ở CLB này.”
    + Bố mẹ
    “Mẹ tôi là người tuyệt vời nhất trên đời, bà hiểu rõ tâm tính tôi hơn bất kỳ ai. Chỉ cần nhìn qua là mẹ đã biết chuyện gì đang xảy ra với con trai mình. Tôi biết hết những hy sinh mà bố mẹ đã dành cho gia đình và mãi mãi không bao giờ quên điều đó.”

    Adriana Aguero (mẹ của Aguero) nói về...
    + Việc con trai chuyển sang Atletico
    “Kun hỏi chúng tôi nghĩ gì và chúng tôi muốn gì. Khi ấy nó 18 tuổi, muốn sang Tây Ban Nha lập nghiệp và muốn mời chúng tôi cùng sang đó sống. Nhưng chúng tôi đành phải giải thích cho nó hiểu điều ấy là không thể. Cả cuộc đời chúng tôi đã sống ở Argentina, đâu thể nói một tiếng là có thể từ bỏ.”
    + Niềm tự hào
    “Tôi biết như thế nào là cảm giác lội qua bùn lầy, cố ngủ qua đêm khi không có nổi một mái nhà đàng hoàng. Tôi cũng biết cảm giác phải chạy tiền từng bữa để nuôi các con mình. Đấy là một cuộc đấu tranh sinh tồn gian khổ giữa tôi và con trai mình. Nghĩ lại những ngày tháng ấy, chúng tôi càng cảm thấy tự hào.”


    (Còn nữa)
    LÊ MINH (lược dịch) • 08:37 ngày 24/02/2015

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay