Người Anh vẫn nói “East or West, home’s the best”, đại ý dù Đông hay Tây, dù ngược hay xuôi, nhà mình vẫn là nhất. Với Rooney, tâm điểm của những đồn đoán suốt mấy tháng Hè vừa qua, đây là câu nói đáng để chiêm nghiệm. Mùa chuyển nhượng 2013 còn hơn chục ngày nữa mới đóng cửa, nhưng Rooney cần phải xác định rõ ngay lúc này: Đâu mới là mái nhà đích thực dành cho anh?
Rooney muốn đi, nhưng đi đâu? Với tầm vóc của Rooney, tưởng rằng anh đi đâu chẳng được chào đón. Thế nhưng, đây lại là câu hỏi rất khó trả lời, dù Arsenal muốn anh, Chelsea rất muốn anh, Real cũng thế, Man City hay PSG không đứng ngoài cuộc. Thoạt nhìn, có đến 4-5 lựa chọn đang chờ Rooney, nhưng thực tế anh chỉ có một: Ở lại.
Cản trở đầu tiên, M.U chắc chắn không chủ động bán “số 10” của mình. Điều này đã được HLV David Moyes nói không dưới 3 lần, thậm chí ông đã phát cáu trong một cuộc họp báo: “Tôi có nói tiếng Hà Lan đâu nhỉ. Tôi nhắc lại với tất cả một lần nữa, bằng tiếng Anh, rằng Rooney không phải để bán”. Cơ hội khoác áo Chelsea, Arsenal hay Man City càng không thể bởi ở sân chơi Premier League, các kình địch không có thói quen bán người nhà cho đối thủ. Arsenal có lẽ là ngoại lệ duy nhất, và họ đã phải trả giá khi bán Adebayor, Samir Nasri (cho Man City) và đặc biệt là Van Persie (cho chính M.U).

Wayne Rooney
Ra nước ngoài thi đấu có vẻ là giải pháp logic nhất trong trường hợp này. Tuy nhiên, nếu khôn ngoan, chắc chắn Rooney không nối gót những đàn anh như Michael Owen, Jonathan Woodgate - những người hùng một thời trên đất Anh đã bị chôn vùi thảm hại tại Real Madrid. Trong khoảng 2 thập kỷ trở lại đây, ngoại trừ David Beckham - một công dân toàn cầu, người đi đến đâu cũng thành công về mặt thương mại hơn là bóng đá - còn lại hơn 40 cầu thủ Anh rời Premier League đều thất bại. Vậy Rooney đã sẵn sàng vali để đến Paris hay Madrid chưa?
VÌ TA CẦN NHAU...
Đẳng cấp của Rooney là điều không phải bàn cãi. Nói như kiểu người Anh thì “anh ta bỏ xa phần còn lại cả dặm”. Quá khứ đã thế, hiện tại vẫn thế. Điều này được thế hiện ngay ở 30 phút anh có mặt trong chiến thắng 4-1 trước Swansea. Chỉ 30 phút. Chỉ 2 đường chuyền. Kết quả là 2 bàn thắng (Van Persie và Welbeck ghi). Không cần ghi bàn, Rooney vẫn thể hiện sự khác biệt. Tình huống đầu là phát động tấn công rồi di chuyển, lôi kéo hậu vệ đối phương hút hết về phía mình, tạo khoảng trống cho Van Persie dốc bóng rồi ghi bàn. Pha bóng sau còn ấn tượng hơn, khi Rooney kiểm soát bóng rất khéo trong vòng vây của 3-4 hậu vệ Swansea trước khi rướn người tỉa bóng xuống cho Welbeck. Chỉ một cú tỉa nhẹ, nhưng nó đã loại toàn bộ tuyến phòng ngự của đối phương, tạo cơ hội cho Welbeck đối mặt với thủ môn rồi lốp bóng ấn định tỷ số 4-1.
Rõ ràng, 2 bàn thắng với dấu giày của Rooney khác rất nhiều 2 bàn, cũng do Van Persie và Welbeck ghi trong hiệp 1. Đẳng cấp - đó là thứ mà M.U cần ở Rooney. Ngược lại, khó ở nơi nào, Rooney được tạo cơ hội thể hiện mình như trong màu áo Quỷ đỏ. 9 năm khoác áo M.U, Rooney gần như có tất cả: Premier League, Cúp FA, Cúp Liên đoàn, Champions League, FIFA Club World Cup cùng khoảng gần 20 danh hiệu cá nhân các loại - bảng thành tích mà chắc chắn không ở đâu Rooney vượt qua được.
Ở Old Trafford, Rooney có thể ghi ít bàn thắng hơn Van Persie. Mùa trước, anh ghi 16 bàn, bằng một nửa so với chân sút người Hà Lan (30) nhưng vai trò của Rooney rất khác, đa dạng và quan trọng hơn nhiều. Khi đá thấp, Rooney là một nhà kiến thiết, một ngòi nổ siêu hạng. Khi dâng cao, Rooney ghi bàn sát thủ và đẳng cấp không kém bất cứ ai. Ở trận cầu lớn, với bản tính lì lợm và quả cảm, anh đóng vai thủ lĩnh, người nhiều lần dẫn dắt bầy Quỷ vượt qua thời khắc khó khăn nhất. Và trên hết thảy, Rooney - chứ không phải Van Persie hay bất kỳ ai - là biểu tượng, là linh hồn của Quỷ đỏ! Đây không phải là điều có thể tạo dựng được trong ngày một ngày hai, mà Rooney đã làm trong 9 năm qua. Và nếu Rooney, cầu thủ sắp bước sang tuổi 28, vẫn nhất quyết đi tìm bến đỗ mới, thử hỏi ở đâu và cần bao lâu để Rooney xây dựng một tượng đài như tại Old Trafford?
Bóng Premier League cũng đã lăn. Tiếng súng khai cuộc mùa bóng mới cũng đã nổ. Rõ ràng, giờ tốt nhất là Rooney nên suy tính sẽ ở lại và chiến đấu như thế nào. Bởi điều đó tốt nhất cho chính anh, cho M.U và cho cả Premier League!
M.U-Rooney bị “cò” dắt mũi?
Có vài điều không thể hiểu nổi về Rooney. Năm 2010, chỉ sau vài vòng đầu tiên, Rooney bất ngờ tuyên bố muốn ra đi. Lý do: M.U thiếu tham vọng, M.U thiếu đầu tư, M.U không mua ngôi sao lớn. Tất cả đều sốc, kể cả Alex Ferguson. Thế nhưng, chỉ vài ngày sau, Rooney tuyên bố ở lại. Anh chủ động đăng đàn xin lỗi, đồng thời ký hợp đồng mới đến 2015.

“Cò” Stretford nhúng tay vào mọi hoạt động của Rooney
Bởi thế, rất có thể, vụ Rooney muốn rời Old Trafford lần này tiếp tục là vở kịch của đạo diễn Paul Stretford. Nếu vậy, M.U chỉ còn 2 lựa chọn: hoặc gạch tên Rooney - điều có lẽ tất cả các bên đều không muốn, hoặc lại chồng thêm một khoản tiền và tiếp tục đóng vai con rối để “cò” dắt mũi!